Ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ suy giảm thời Trump 2.0?
Chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ đẩy các đồng minh ở châu Á ra xa hơn.
"Tôi sẽ không bắt đầu một cuộc chiến tranh. Tôi sẽ ngăn chặn các cuộc chiến tranh", Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố trong bài phát biểu chiến thắng sau màn lội ngược dòng ngoạn mục trong cuộc bầu cử Tổng thống.
Tuy nhiên, hai cuộc xung đột lớn trong thời gian gần đây, cụ thể là ở Ukraine và Gaza, đã bùng phát dưới thời của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden. Ông Trump đã chỉ trích các cựu quan chức đảng Cộng hòa, những người đã giám sát các can thiệp quân sự thảm họa của Mỹ, đặc biệt là ở Iraq và Afghanistan.
Mặc dù có những phát ngôn mạnh mẽ và phong thái của một nhà lãnh đạo cứng rắn, ông Trump đã tự định vị mình như một người hòa giải, với mục tiêu kết thúc các cuộc chiến tranh ở nước ngoài để tập trung đầu tư vào nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Tuy nhiên, trong khi hy vọng vào điều tốt đẹp nhất, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang chuẩn bị cho một chặng đường khó khăn dưới thời Trump 2.0. Mỹ được cho là sẽ áp dụng các chính sách bảo hộ, đơn phương và đối đầu về các vấn đề từ nhập cư đến thương mại trong những năm tới.
Không giống như năm 2016, kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay không gây sốc cho nhiều người trên khắp thế giới. Rốt cuộc, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump thách thức các cuộc thăm dò. Giới quan sát cho biết, cả đồng minh và đối thủ của Mỹ đều bận rộn chuẩn bị các chính sách để sẵn sàng cho khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Ở châu Á, thái độ phần lớn là thờ ơ. Theo Richard Javad Heydarian, học giả tại Đại học Bách khoa Philippines, đã có nhiều quan chức và chuyên gia nhấn mạnh rằng nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump phần lớn có thể kiểm soát được. Về lý thuyết, ông Trump có thể trở thành đối tác dễ chịu hơn đối với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á.
Theo chuyên gia này nhận định, không giống như chính quyền Biden sắp mãn nhiệm, ông Trump có khả năng sẽ chấm dứt chính sách đối ngoại dựa trên giá trị để thay vào đó là một chính sách trực diện và mang tính giao dịch hơn.
Từ Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, các nhà lãnh đạo quyền lực ở Đông Nam Á có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc hợp tác với ông Trump.
Hơn nữa, chính quyền Biden đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về mức độ tín nhiệm của Mỹ trong giới lãnh đạo tư tưởng Đông Nam Á. Theo một cuộc khảo sát của ISEAS năm 2024, phần lớn người được hỏi ở Malaysia (75%), Indonesia (73) và Brunei (70%) bày tỏ sự ủng hộ Trung Quốc hơn Mỹ, đánh dấu mức tăng hai con số trong tỷ lệ ủng hộ đối với Trung Quốc so với năm trước.
Những người được hỏi ở các quốc gia này cũng coi xung đột Gaza là mối quan tâm địa chính trị hàng đầu, và sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với các hoạt động quân sự của Israel đã khiến các quốc gia có đa số người Hồi giáo ở Đông Nam Á xa lánh.
Mặc dù vẫn còn phải chờ xem ai sẽ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong nội các của chính quyền mới của ông Trump, song đường nét chung về chính sách đối ngoại của ông Trump cho thấy nhiều vấn đề còn tồn tại ở phía trước.
Kết quả bầu cử Mỹ đã đưa đảng Cộng hòa vào vị thế quyền lực chưa từng có. Một Tòa án Tối cao Mỹ có khuynh hướng bảo thủ mạnh mẽ và tại thời điểm hiện tại, khả năng cao đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả ba nhánh quyền lực, liên minh “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) của ông Trump sẽ có đủ tự do để thực hiện các chính sách quyết liệt, bao gồm một chế độ nhập cư hà khắc mới.
Điều này có thể gây ra xung đột dân sự và sự phản kháng mạnh mẽ trong nước, đặc biệt là ở các "thành trì" của đảng Dân chủ, nhưng cũng gây căng thẳng cho mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng. Đại sứ Philippines tại Mỹ đã khuyến nghị những người di cư Philippines không có giấy tờ tại Mỹ nên tự nguyện trở về nhà nếu họ không muốn phải đối mặt với sự đàn áp cứng rắn dưới thời chính quyền Trump.
Hơn nữa, nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump là tin xấu trên mặt trận thương mại. Tự nhận mình là "Người đàn ông thuế quan", ông Trump dự kiến sẽ áp thuế nặng không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với các quốc gia xuất khẩu lớn khác.
Các cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nước Đông Nam Á. Theo một số ước tính, nếu ông Trump tiếp tục áp dụng các đợt thuế quan mới, các quốc gia châu Á, không bao gồm Trung Quốc, có thể phải chịu mức giảm lên đến 8% trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Trump có khả năng sẽ hủy bỏ Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ông Biden giống như cách ông đã rút khỏi TPP (nay là CPTPP) của chính quyền cựu Tổng thống Obama. Và không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ đưa ra bất kỳ sáng kiến kinh tế đa phương mới nào với khu vực châu Á.
Cuối cùng, các chuyên gia cảnh báo, Mỹ có thể thực hiện một chính sách đối ngoại đơn phương, thậm chí còn hung hăng hơn. Ông Trump có thể đưa những người ủng hộ MAGA và những người thích một chính sách đối ngoại hiếu chiến hơn vào chính phủ Mỹ.
Ông Douglas H. Paal, học giả không thường trú tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định, chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể vô tình bước vào một cuộc xung đột lớn ở Trung Đông. Điều này sẽ tiếp tục thổi bùng làn sóng chống phương Tây ở Đông Nam Á và làm suy yếu khả năng cạnh tranh hiệu quả của Mỹ với Trung Quốc trong khu vực.
Nhiều khả năng, ông Trump có thể làm suy yếu thêm vị thế lãnh đạo của Mỹ tại một trong những khu vực năng động và quan trọng nhất về mặt địa chính trị thế giới.