Nghiên cứu - Trao đổi

Xây dựng ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh: Cần bộ tiêu chí rõ ràng

Khôi Nguyên 14/11/2024 12:00

“Cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng, ngưỡng nợ thuế nếu có, chỉ là một quy định nhỏ trong bộ tiêu chí chứ không thể cứ căn cứ vào đó để tạm hoãn xuất cảnh…”.

Đây là quan điểm của TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) xung quanh đề xuất ban hành ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế đang được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua.

xay-dung-nguong-no-thue-de-tam-hoan-xuat-canh-can-mot-bo-tieu-chi-ro-rang-2.png
Sau một thời gian áp dụng, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế được cho là đã mang lại hiệu quả tích tực trong công tác quản lý nợ thuế. Ảnh minh hoạ

Có nên quy định nhiều ngưỡng nợ thuế?

Theo đó, tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Sau một thời gian áp dụng, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh người nợ thuế được cho là đã mang lại hiệu quả tích tực trong công tác quản lý nợ thuế. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, trong 9 tháng năm 2024, cơ quan thuế đã ban hành 23.747 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với số tiền thuế nợ là 50.665 tỷ đồng. Đến nay, Tổng cục Thuế đã thu được 1.844 tỷ đồng của 2.873 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh.

Có thể thấy, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người phản ánh không biết mình nợ thuế hoặc không nhận được thông báo của cơ quan thuế cho đến khi ra sân bay mới hay không được xuất cảnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng "cào bằng" biện pháp cấm xuất cảnh cho nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ, gây khó khăn lớn cho người nộp thuế và chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là chưa nói lệnh tạm hoãn xuất cảnh đối với một doanh nhân đã ảnh hưởng nhiều đến uy tín cá nhân, thương hiệu doanh nghiệp…

Cuối tháng 10 vừa qua, khi góp ý cho dự thảo luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp nhỏ và không phải biện pháp mạnh nhất để xử lý vi phạm. Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung ngưỡng nợ thuế để giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về tác động của biện pháp cưỡng chế thuế để đảm bảo hiệu quả thực thi, tránh các phản ứng trái chiều không cần thiết, hoặc xem xét chưa sửa đổi nội dung này vào thời điểm hiện nay. Trong trường hợp cần sửa đổi, đề nghị bổ sung quy định về ngưỡng nợ thuế để việc tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng hợp lý hơn.

Nhất trí với quan điểm trên, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đề xuất, cần phải xác định mức ngưỡng nợ thuế nào bị áp dụng cấm xuất cảnh nào là hợp lý. Các ngưỡng mà thiết lập phải dựa trên tình hình kinh tế, quy mô doanh nghiệp, tình hình nợ thuế để tránh quá thấp hoặc quá cao. Qua đó, đảm bảo tính hợp pháp và quyền con người, tránh vi phạm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và cá nhân.

Cũng đồng tình với quan điểm này, PGS TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, để có ngưỡng phù hợp áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành thuế cần sử dụng công cụ thống kê, phân loại mang tính đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngưỡng này không nên quá nhỏ vì sẽ không đủ tính răn đe, phát sinh chi phí hành chính quản lý quá lớn và đặc biệt là không khiến số lượng người nợ thuế bị hoãn xuất cảnh quá nhiều.

Theo vị chuyên gia này, ngay cả áp dụng ngưỡng nợ thuế làm căn cứ tạm dừng xuất cảnh cũng sẽ gặp khó khăn khi có những doanh nghiệp nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp khác nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng…

“Việc áp dụng ngay lập tức quy định tạm hoãn xuất cảnh lại khiến họ khó chồng khó. Thế nên, ngành thuế nên nghiên cứu và đưa vào quy định nhiều ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh theo từng nhóm doanh nghiệp và theo giá trị nợ thuế”, PGS TS Vũ Sỹ Cường nói.

xay-dung-nguong-no-thue-de-tam-hoan-xuat-canh-can-mot-bo-tieu-chi-ro-rang-1.jpg
Tuy nhiên có nhiều phản ánh việc áp dụng "cào bằng" biện pháp cấm xuất cảnh cho nhiều trường hợp nợ thuế với số tiền rất nhỏ, gây khó khăn lớn cho người nộp thuế và chính hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh hoạ

Cần xây dựng một bộ tiêu chí rõ ràng

Tuy nhiên, chia sẻ trên tờ Thanh niên về nội dung này, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - CIEM), lại cho rằng nghiên cứu về ngưỡng nợ thuế để áp dụng cho việc hoãn xuất cảnh một cá nhân đại diện pháp luật doanh nghiệp là không đủ đầy và khó thuyết phục.

"Đưa ra một ngưỡng nợ thuế 5 triệu, 10 triệu hay 100 triệu sẽ bị hoãn xuất cảnh là điều không ai làm cả. Xuất phát từ một quy định nhỏ trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh và Luật Quản lý thuế là cá nhân nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh, thời gian qua ngành thuế đã áp dụng tràn lan là điều không ổn chút nào, nếu không nói là làm "xấu xí" đi hình ảnh của ngành thuế. Con số doanh nhân bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế của doanh nghiệp không thể nào là thành tích của ngành được. Không thể để công tác truy thu nợ tồn đọng thuế lại đẩy trách nhiệm trung tâm cho người dân và doanh nghiệp được", TS Nguyễn Minh Thảo nói.

Sau nhiều góp ý, tần suất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đại diện pháp luật doanh nghiệp từ cơ quan quản lý có vẻ được cân nhắc hơn, thận trọng hơn. Tuy nhiên, theo bà Thảo, ngành thuế cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn. Bộ tiêu chí này có quy định nợ bao nhiêu lần, bao lâu. Phải đánh giá mức độ chây ì của doanh nghiệp, đã sử dụng các biện pháp gì? Quy mô, khả năng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của doanh nghiệp thế nào?

"Ngưỡng nợ thuế nếu có, chỉ là một quy định nhỏ trong bộ tiêu chí chứ không thể cứ căn cứ vào mức nợ bao nhiêu sẽ bị cấm xuất cảnh, nghe rất cảm tính. Ngay cả việc áp dụng ngưỡng nợ bao nhiêu để đưa vào tiêu chí cũng cần sự đánh giá hết sức khoa học, nhân văn và hợp lý, chứ không nên "đổ đồng" nợ thuế chừng đó sẽ bị hoãn xuất cảnh. Bên cạnh đó, số liệu của cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… cũng được đưa vào hệ thống tính toán để có ngưỡng khả thi, hợp lý cho từng doanh nghiệp, từng ngành hàng", TS Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.

Khôi Nguyên