Bất động sản

Hà Nội: Phân cấp cho các quận, huyện trong cải tạo nhà chung cư cũ

Vi Anh 14/11/2024 12:50

Hà Nội ủy quyền cho các quận, huyện, thị xã ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện di dời theo quy định.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành quyết định về việc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội.

Ảnh chụp Màn hình 2024-11-14 lúc 12.12.41
Hà Nội ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo các nhà chung cư trên địa bàn. Ảnh:VA

Theo đó, UBND TP ủy quyền cho UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại) thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư, gồm:

Tổ chức lập, phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023 và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ.

Ban hành quyết định di dời khẩn cấp và tổ chức di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc trường hợp di dời đến chỗ ở tạm thời theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023.

Ban hành quyết định di dời theo phương án bồi thường, tái định cư đã được phê duyệt theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023.

Ban hành quyết định cưỡng chế di dời đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không thực hiện di dời theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023.

Tổ chức xác định hệ số K áp dụng cho từng vị trí, khu vực có nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn mình quản lý theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ.

Tổ chức lập, phê duyệt Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cho từng dự án thuộc địa bàn mình quản lý theo quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ.

Thời hạn ủy quyền các nội dung trên là 2 năm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã (nơi có nhà chung cư cải tạo, xây dựng lại) có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung được ủy quyền và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và UBND TP.

Công tác cải tạo chung cư cũ thời gian qua vẫn còn chậm. Ảnh:V
Hà Nội hiện có hơn 1.500 chung cư cũ. Ảnh:VA

Đồng thời, thực hiện trình tự, thủ tục, nội dung việc ủy quyền đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Nhà ở ngày 27/11/2023, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25/7/2024 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

UBND TP giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành Thành phố, đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các nội dung...

Trên thực tế, cả nước có khoảng 2.500 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, trong đó có nhiều nhà chung cư theo kết quả kiểm định đã thuộc diện cải tạo, xây dựng lại.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có hơn 1.500 chung cư cũ. Theo kế hoạch, việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được chia làm 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 gồm 18 khu chung cư, nhóm nhà chung cư, chung cư độc lập, riêng lẻ nằm tại 6 quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên.

Giai đoạn 2 gồm 19 khu chung cư, nhóm nhà chung cư nằm tại 7 quận: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên.

Giai đoạn 3 gồm 7 khu chung cư, nhóm nhà chung cư thuộc 4 quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Giai đoạn 4 gồm các khu chung cư, chung cư cũ độc lập, riêng lẻ còn lại.

Từ năm 2005, Hà Nội đã bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.

Để tìm ra giải pháp hiệu quả thực hiện lại là một “bài toán” khó, thậm chí còn khó hơn phát triển nhà ở xã hội, theo các chuyên gia. Như chia sẻ của bà Tô Thị Hạnh - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều thách thức bởi nó ảnh hưởng tới hàng ngàn, hàng vạn người dân đã sống nhiều năm tại các chung cư cũ. Cơ chế phù hợp để người dân đồng thuận di dân và tạo điều kiện giải phóng mặt bằng vẫn chưa được xác định.

Một trong những nút thắt lớn là người dân luôn mong muốn một hệ số đền bù cao thì mới đồng thuận di dời. Trái ngược với điều đó, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia lại cần một cơ chế hấp dẫn để có thể thu hồi nguồn vốn. Khoảng cách để hài hòa các lợi ích được cho là nguyên nhân khiến chủ trương này còn chậm được đẩy mạnh.

Sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. Trong đó có quy định Nhà nước bố trí kinh phí kiểm định nhà chung cư, lập quy hoạch; bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án, cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư.

Vi Anh