Khởi nghiệp quốc gia

Cuộc thi Khởi nghiệp trong sinh viên

Thanh Hương 16/11/2024 8:19

Cuộc thi Khởi nghiệp cho sinh viên mở ra cơ hội cho các em nuôi khát vọng trở thành doanh nhân, tham gia sân chơi lớn đã giúp cho các trường tiến tới đại học đổi mới sáng tạo.

Lam nghiep 1
GS, TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam trao giải cho nhóm dự án đạt giải Nhất – “Cà phê Trầm hương Việt”

Như thường lệ, khi năm học mới bắt đầu, nhiều trường đại học/cao đẳng lại tổ chức Chung kết Cuộc thi khởi nghiệp cho sinh viên – SV.Startup. Cuộc thi thu hút không chỉ nội bộ sinh viên trong trường mà nhiều trường trong khu vực gửi dự án tham gia, tạo sự đa dạng về đối tượng, phong phú ở các ý tưởng/dự án.

Các hoạt động hỗ trợ tổng thể

Tháng 10 và tháng 11 năm nay, rất nhiều trường vừa tổ chức Chung kết Cuộc thi SV.Startup như Trường ĐH Thương mại, trường ĐH Hùng Vương, trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, trường ĐH Công Thương TPHCM,... Trong số đó, phải kể đến trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn để tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Từ năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid cùng với số lượng sinh viên trong trường giảm sút mạnh nên đến tháng 11 năm nay, trường ĐH Lâm nghiệp mới tổ chức lại Cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp Lâm nghiệp năm 2024”.

Để tiến tới được cuộc thi, trường đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp như đào tạo, tạo dựng môi trường, chính sách hỗ trợ vốn cho các dự án, đưa học phần “Khởi nghiệp” vào chương trình đào tạo. Cán bộ giảng viên trực tiếp tham gia hỗ trợ các hoạt động Khởi nghiệp hay hướng dẫn nhóm học sinh, sinh viên tham gia khởi nghiệp sẽ được quy đổi thành giờ NCKH. Cán bộ giảng viên có nhóm sinh viên được giải trong Chung kết khởi nghiệp quốc gia, Khởi nghiệp cấp Bộ sẽ được vinh danh và tặng thưởng.

Ngoài ra, hằng năm trường ĐH Lâm nghiệp đều tổ chức các Khoá đào tạo tập huấn cho sinh viên toàn trường về Kỹ năng viết và triển khai các dự án khởi nghiệp; thành lập Ban cố vấn có nhiệm vụ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tổ chức biên soạn, ban hành bộ tài liệu cung cấp kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tài liệu đào tạo cán bộ tư vấn – cố vấn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

GS, TS Phạm Văn Điển - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “Khởi nghiệp không phải là một phong trào hay một sự áp đặt mà khởi nghiệp là tự nguyện nên ở trường ĐH Lâm nghiệp, chúng tôi giúp cho các bạn sinh viên khởi nghiệp bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong đó, có những hoạt động như cuộc thi khởi nghiệp, gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo có sự giúp đỡ của giảng viên, hay sự tương tác giữa sinh viên với doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp cũng có thể giúp sinh viên khởi nghiệp.

Thực tiễn vẫn là đòi hỏi khách quan

Nhận xét chung về SV.Startup, theo ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc Quỹ Đầu tư BK Fund– đồng Trưởng làng Công nghệ Giáo dục Edtech, bên cạnh các dự án ở giai đoạn ý tưởng, tỉ lệ các dự án có sản phẩm thử nghiệm tăng, thậm chí có dự án bắt đầu bán hàng và có doanh thu. Ông nhấn mạnh: “Tính sáng tạo, bay bổng luôn là đặc điểm phổ biến trong các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Bên cạnh đấy, có nhiều dự án cập nhật cuộc sống, tìm thấy sản phẩm và mô hình kinh doanh trong việc giải quyết các vấn đề cuộc sống. Điều này chứng tỏ sinh viên đã tham gia tích cực và chủ động hơn, công tác ươm tạo, hỗ trợ của nhà trường cũng tốt hơn”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Tuấn Hiệp, đa số dự án khởi nghiệp sinh viên gắn với một khoảng thời gian ngắn, các bạn sinh viên tham dự cuộc thi trong trường, ít dự án được các bạn sinh viên tiếp tục đeo đuổi để hiện thực hóa vào thực tế. Bởi vậy, việc tiếp tục hỗ trợ các dự án /ý tưởng đạt giải sau cuộc thi cần được các trường hết sức coi trọng.

GS, TS Phạm Văn Điển cho biết: “Sau cuộc thi, các nhóm khởi nghiệp tiếp tục phải hoàn thiện ý tưởng dự án, nâng cấp dự án để gắn với thực tiễn. Căn cứ vào tính khả thi, độ sáng của ý tưởng, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ các em không chỉ bằng nguồn lực tài chính thông qua Quỹ Khuyến học, Khuyến tài, quỹ nghiên cứu khoa học, nguồn tài trợ từ doanh nghiệp quan trọng hơn. Nhà trường sẽ giúp các em từ sự đam mê của mình sẽ quyết tâm khởi nghiệp, giúp nhận thức rõ rằng không có khởi nghiệp sẽ gặp khó khăn cho con đường đời của các em sau này”.

Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Tuấn Hiệp đã đưa ra một số đề xuất giúp sinh viên triển khai các dự án khởi nghiệp hiệu quả. Đó là cần tuyên truyền, lan tỏa các dự án khởi nghiệp đạt giải hoặc được đầu tư hoặc tăng trưởng doanh thu để thu hút quan tâm, tham gia của sinh viên.

Các trường đại học cần chú trọng phát triển đơn vị chuyên trách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; cần tăng cường hỗ trợ để kết nối sinh viên và các dự án khởi nghiệp với các doanh nghiệp, các tập đoàn, các nhà đầu tư. Trường đại học nào có nhiều thầy giáo khởi nghiệp, chắc chắn cũng sẽ có nhiều dự án sinh viên khởi nghiệp hấp dẫn, thuyết phục. Từng khu vực cần thành lập các cụm trường để tăng tính hợp tác liên ngành cho dự án khởi nghiệp sinh viên và tăng quy mô, năng lực của hệ sinh thái sinh viên khởi nghiệp.n

Thanh Hương