Bài toán tổng thể khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn
Chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có đánh giá tác động tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trên mục tiêu của thuế, đảm bảo lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa 15 đang diễn ra. Đây là một trong số 13 dự án luật được chính thức cho ý kiến trong kỳ họp quốc hội lần này.
Chia sẻ tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế phân tích, tình hình "sức khoẻ" của doanh nghiệp ngành đồ uống, những đóng góp cũng như tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Theo đó, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp ngành đồ uống chịu những khó khăn riêng. Theo đó, ngành này không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế giá trị gia tăng (giảm 2%), thời điểm dịch Covid-19 và các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí... kéo dài. Trong khi đó, chi phí, giá nguyên vật liệu chính của ngành tăng từ 15 - 40% đã kéo giảm kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành.
Năm 2024, hàng tồn kho tiếp tục tăng, thống kê riêng 6 tháng năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ, doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận... “Năm 2024, kỳ vọng doanh thu của ngành đồ uống tăng 11%, tuy nhiên một phần là do so với mức nền thấp của năm 2023, so với thời điểm trước năm 2019 mức tăng trưởng này là thấp”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Trên nền khó khăn của ngành đồ uống, theo TS. Cấn Văn Lực, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn sẽ khiến doanh nghiệp “khó chồng khó”. Vị chuyên gia phân tích, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống có cồn có thể tăng thu ngân sách trong ngắn hạn, nhưng giảm tổng hòa lợi ích đối với ngành và nền kinh tế về trung, dài hạn. Tăng thuế càng nhanh, càng cao tổng hòa lợi ích giảm càng lớn.
Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cũng nhận định, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn còn mang tính cào bằng đối với đồ uống có nồng độ cồn khác nhau, khó điều tiết hành vi tiêu dùng...
Cùng quan điểm, PGS TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 và Nghị định 100. Do đó, vị chuyên gia cho rằng, với đề xuất tăng thuế theo phương án 2 của dự thảo tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia lần này, nếu được thông qua sẽ là “cú sốc” trước sự tụt dốc với những khó khăn chồng chất, của doanh nghiệp rượu bia. Các doanh nghiệp rượu bia sẽ rất khó để phục hồi, ổn định. Chính sách này sẽ tạo ra hệ lụy giảm nguồn thu ngân sách, thu nhập và việc làm của hàng vạn người lao động cũng bị giảm theo.
“Tăng “sốc” thuế TTĐB trước hết, không chỉ các doanh nghiệp sản xuất rượu bia sẽ là đối tượng bị tác động trực tiếp ảnh hưởng, mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi trong hệ sinh thái ngành, từ sản xuất nông nghiệp, bao bì, dịch vụ, du lịch, kinh tế đêm… Tiếp đến các nhà hàng, quán ăn vốn gặp “cú sốc” lớn do dịch Covid-19 để lại khiến mấy năm phải “án binh bất động”, kinh doanh cầm chừng, cắt giảm quy mô, giảm lao động… còn chưa kịp phục hồi khi dịch qua đi thì lại vấp phải khó khăn do thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, trong đó tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Nếu thêm cú sốc tăng thuế TTĐB, giá rượu bia sẽ tăng mạnh, có thể các doanh nghiệp này sẽ khó đứng vững”, ông Long nhấn mạnh.
Trước những vấn đề nổi cộm trên, GS. TS Nguyễn Đình Thọ, Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần có đánh giá tác động trên mục tiêu của thuế, đảm bảo lợi ích Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng.
Theo ông Thọ, mục tiêu đánh thuế đồ uống có cồn là để giảm tiêu dùng, do đó, cách thức đánh thuế cần phải đánh theo % nồng độ cồn.