Cơ hội cho hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Chile giai đoạn mới
Nhân chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường, VCCI đã ký kết 2 văn kiện hợp tác quan trọng với Pro Chile và SOFOFA.
Nhân chuyến thăm chính thức Chile của Chủ tịch nước Lương Cường, VCCI đã ký kết văn kiện hợp tác với Tổng cục xúc tiến xuất khẩu Chile (Pro Chile) và Hiệp hội thúc đẩy sản xuất Chile (SOFOFA).
Trước thềm tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Peru, Chủ tịch nước Lương Cường dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Chile theo lời mời của Tổng thống Chile Gabriel Boric Font. Tham gia đoàn chính thức của Chủ tịch nước trong chuyến công du lần này có Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cùng lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương.
Trong chuyến thăm Chile này, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã ký kết hai biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) quan trọng với Tổng cục xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile) và Hiệp hội thúc đẩy sản xuất Chile (SOFOFA).
Tổng cục xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile) là cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Chile, có nhiệm vụ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Chile ra thế giới thông qua mạng lưới quốc tế rộng lớn của ProChile trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ các công ty Chile trong việc thúc đẩy, đa dạng hóa và mở rộng xuất khẩu.
Việc ký kết MOU với ProChile được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng. Được biết ProChile đang là đơn vị triển khai sáng kiến Hydro xanh quốc gia của Chile khi năng lượng tái tạo tại ở Chile chiếm 40% tổng sản lượng điện và 13% hydro xanh của thế giới được sản xuất từ miền Nam nước này.
Chủ tịch VCCI và người đứng đầu ProChile là ông Ignacio Fernández Ruiz, Tổng giám đốc đã ký MOU trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Chile. Sau đó Chủ tịch Phạm Tấn Công đã thăm trụ sở ProChile và hội đàm với ông Ignacio Fernández Ruiz.
SOFOFA là một liên đoàn doanh nghiệp có lịch sử 141 năm, quy tụ 22 hiệp hội doanh nghiệp từ mọi miền đất nước, trong số đó có hơn một nửa số công ty có chỉ số chứng khoán quan trọng nhất ở Chile, trong các lĩnh vực khai thác mỏ, ngành lâm nghiệp, bột giấy và giấy, kinh doanh nông nghiệp, nuôi cá hồi, đánh bắt cá, cơ sở hạ tầng và hậu cần, năng lượng, rượu vang, bán lẻ, công nghệ thông tin, điện thoại, thực phẩm và đồ uống, bánh mì, ngành đầu tư mạo hiểm, cùng nhiều ngành khác.
Trong các cuộc hội đàm riêng giữa Chủ tịch VCCI với người đứng đầu ProChile và SOFOFA, các bên đều khẳng định mong muốn thắt chặt hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Chile, tăng cường trao đổi thông tin về cơ hội kinh doanh của mỗi nước đến cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức Hội thảo giới thiệu về tiềm năng thị trường; đón đoàn doanh nghiệp Chile vào Việt Nam, kết nối doanh nghiệp Chile với các địa phương, cũng như việc ProChile và SOFOFA hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Chile.
Có thể thấy, trong suốt 53 năm qua, kể từ ngày Việt Nam và Chile chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 3/1971, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Việt Nam đánh giá cao vai trò của Chile và luôn coi Chile là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh.
Chile hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Mỹ Latinh. Cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước có thể bổ sung tốt cho nhau. Việt Nam là một thị trường đang phát triển mạnh với quy mô dân số và nhu cầu tiêu dùng cao hướng tới mục tiêu trở thành một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Chile hiện đã là quốc gia phát triển, gia nhập OECD từ năm 2010. Chile là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, đứng đầu thế giới về trữ lượng khai thác và chế biến đồng, litio và xếp thứ 2 thế giới về sản xuất i-ốt và molipden.
Đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile năm 2011 có hiệu lực từ năm 2014, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CP TPP năm 2018 và chính thức có hiệu lực tại Chile từ tháng 2/2023 đã đem lại rất nhiều tiềm năng phát triển thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Chile lên một tầm cao mới.
Với việc Việt Nam hiện là thành viên chủ chốt và tích cực của khối ASEAN. Trong khi đó Chile là thành viên của Liên minh Thái bình Dương (AP), hai bên có thể là cửa ngõ hội nhập, giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào thị trường hai khu vực trong thời gian tới.