Tạo động lực giúp doanh nghiệp “cất cánh”
Thời gian qua, Công an tỉnh đã chủ động triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Đây là khẳng định của Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công An tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu trước việc tạo môi trường đầu tư thông thoáng nhằm thu hút mọi nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Đại tá Bùi Văn Thảo, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 21.843 doanh nghiệp, trong đó có 12.497 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 57,21 %. Trên địa bàn tỉnh có 482 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 33.415,7 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh có 696 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 399.669,6 tỷ đồng.
- Ở góc độ quản lý của ngành, Đại tá nhìn nhận như thế nào về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn?
Trong 09 tháng đầu năm, tình hình của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định, tình hình an ninh trật tự tại các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp được đảm bảo. Lực lượng Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, chủ động tham mưu giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở các vấn đề phức tạp, mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công, bảo đảm an ninh công nhân, an ninh trật tự tại các khu công nghiệp.
Đặc biệt, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chủ động triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư đạt kết quả cao, tạo tiền đề vững chắc phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Trước thực tế trên, Đại Tá có thể chia sẻ về những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực của ngành, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh?
Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng và triển khai Kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình đền bù, GPMB tại các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã kịp thời nắm tình hình, giải quyết các vụ việc tranh chấp khiến kiện của các hộ dân trong diện thu hồi không để các phần tử xấu lợi dụng sơ hở để gây tụ tập đông người gây rối.
Đồng thời, căn cứ các nội dung nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Công an, Công an tỉnh đã triển khai tổ chức tốt công tác nắm, đánh giá tình hình an ninh trật tự, chủ động dự báo tác động đối với viẹc tổ chức, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các vấn đề phức tạp nổi lên liên quan đến an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội hoặc lợi dụng chủ trương, chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để trục lợi, vi phạm pháp luật.
Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác thẩm định, xác minh năng lực đối với các dự án, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn, chú trọng các điều kiện về an ninh, quốc phòng, bảo đảm ổn định của địa phương; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lợi dụng sơ hở, thiếu sót khi triển khai các giải pháp để tạo cớ gây sức ép, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, chuyển giá, thâu tóm, thao túng thị trường…
Đặc biệt, theo chức năng nhiệm vụ, thời gian qua, Công an tỉnh đã tăng cường triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Công an, UBND tỉnh về chuyển đổi số, Đề án 06. Đẩy mạnh rà soát, đề xuất cắt giảm quy định hành chính của các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý về ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trực tuyến toàn trình giải quyết TTHC cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong đó tập trung nâng cao chất lượng giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử trên các lĩnh vực như: đăng ký, quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý con dấu…
Bố trí cán bộ có năng lực, giỏi chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật, thông thạo công nghệ để thực hiện triển khai dịch vụ công, giải quyết TTHC. Quán triệt chỉ đạo cán bộ tiếp dân, giải quyết TTHC nêu cao tinh thần trách nhiệm, hướng dẫn tận tình đối với người dân, cơ quan, doanh nghiệp; tập trung giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục; khó khăn, vướng mắc phải báo cáo ngay để đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện hết sức cho người dân, cơ quan, doanh nghiệp và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tiếp tục triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, UBND tỉnh; thực hiện nhân rộng mô hình CCHC, nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công tại Công an cấp xã trong toàn tỉnh.Trên tinh thần đó, Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 430/QĐ-BCA của Bộ Công an về phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Tính riêng 9 tháng đầu năm, tổng số hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết dịch vụ công trong Công an tỉnh là 1.317.638 hồ sơ/1.355.366 hồ sơ (chiếm 97,22% tổng hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết).
- Qua quá trình triển khai Đại tá nhận thấy đâu là những điểm “nghẽn”?
Thực tế, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị phục vụ triển khai các quy định về cung cấp dịch vụ công, CCHC đôi khi còn hạn chế, chưa đáp ứng nhất là trong việc áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phối hợp chưa thường xuyên với lực lượng Công an nên chưa đáp ứng theo yêu cầu đặt ra thực tế trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, triển khai các biện pháp phối hợp trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Song song đó, việc triển khai quy trình một số TTHC đôi khi chưa được đồng bộ đối với một số doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là việc đăng ký, quản lý người nước ngoài tạm trú và làm việc tại khu công nghiệp còn nhiều bất cập dẫn đến một số doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài lưu trú tại trụ sở doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký, khai báo tạm trú với Công an địa phương, công tác kiểm tra lưu trú chưa có sự hợp tác, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị hành chính và doanh nghiệp.
Việc triển khai một số quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tế tại địa phương, điển hình như: Quy định việc cơ quan đăng ký đầu tư cần tổng hợp kết quả thẩm định trong thời gian ngắn (như theo quy định khoản 3, Điều 36, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư năm 2020, thời gian từ khi nhận hồ sơ đến khi quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ có 15 ngày); trong khi đó, Công an tỉnh với chức năng nhiệm vụ được giao tiến hành phối hợp thẩm định các dự án đầu tư cần nhiều thời gian đánh giá toàn diện các yếu tố liên quan... nên ảnh hưởng đến yêu cầu về mặt thời gian theo quy định.
Hay như việc thực hiện quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế “đối với chuyên gia, người lao động là người nước ngoài thì thực hiện tạm trú theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam” (theo Mục b, Khoản 2, Điều 25 Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ) nếu xét về thực tế thì các khu công nghiệp trên địa bàn không quy hoạch cơ sở lưu trú bên trong nên đối chiếu quy định thì chưa đảm bảo và khó khăn cho công tác hướng dẫn, quản lý…cùng với đó, việc triển khai thực hiện chính sách về đền bù, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân sau khi thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn còn nhiều vướng mắc…
- Trước những “điểm nghẽn” trên Đại tá đã chỉ đạo đưa ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm “khơi thông” góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh phát triển và hội nhập?
Để hướng tới phục người dân, cơ quan, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch vụ công, cải cách TTHC; đề xuất Bộ Công an cắt giảm các TTHC không cần thiết (mỗi năm đề xuất cắt giảm khoảng 5-10% lệ TTHC), duy trì và nhân rộng các mô hình cải cách TTHC, dịch vụ công tại Công an các cấp trên địa bàn.
Đối với thủ tục mới, Công an tỉnh luôn bố trí cán bố hướng dẫn trực tiếp và tuyên truyền trên tất cả các hình thức (tuyên truyền miệng; qua báo chí, truyền thông; dán trực tiếp nơi làm thủ tục…). Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phối hợp, ký kết các quy chế, kế hoạch phối hợp, trao đổi thông tin, bảo đảm an ninh, trật tự với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật và hỗ trợ, hướng dẫn trong công tác giải quyết các TTHC có liên quan. Tiếp tục bố trí cán bộ và trang thiết bị để thực hiện các dịch vụ công; tiếp tục cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm, tích hợp các trường thông tin để thuận tiện khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Mặt khác, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm trên địa bàn, trong đó tập trung thực hiện các cao điểm tấn công, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm vào số công nhân, người lao động và các doanh nghiệp trên địa bàn. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai các giải pháp, biện pháp hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người lao động đáp ứng yêu cầu theo nội dung Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 02 của Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn Đại tá!