Ứng dụng công nghệ cho ngành thang máy Việt Nam
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, ngành thang máy cũng không ngừng đổi mới, nhưng để phát triển mạnh mẽ cần có chính sách hỗ trợ về công nghệ trong sản xuất, vận hành.
Sáng 14/11 tại Hà Nội, diễn ra Triển lãm Thang máy Quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam International Lift Expo 2024), quy tụ hơn 100 doanh nghiệp tham gia. Đây là sự kiện do Công ty TNHH Spex International phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức nhằm kết nối thương mại và chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất thang máy.
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương cho biết, những năm qua, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cùng với các dự án nhà ở… liên tiếp được triển khai đã và đang tạo nên dư địa phát triển lớn cho ngành thang máy, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, ngành thang máy cũng không ngừng đổi mới, phát triển. Thực tế, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong ngành thang máy. Ví như thang máy thông minh, thang máy tiết kiệm năng lượng, các hệ thống điều khiển từ xa và các giải pháp an toàn, bảo mật tối ưu. Những công nghệ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả vận hành mà còn góp phần tạo ra những công trình kiến trúc hiện đại, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng.
Triển lãm thang máy quốc tế 2024 được tổ chức là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại những thành tựu nổi bật của ngành thang máy trong suốt thời gian qua. Đồng thời, nhìn về phía trước để khám phá những xu hướng mới, giải pháp sáng tạo và các công nghệ tiên tiến trong việc vận hành, quản lý và bảo trì các hệ thống thang máy.
"Chúng tôi hy vọng rằng triển lãm không chỉ là một sân chơi đầy thú vị cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, mà còn là một diễn đàn quan trọng để cùng nhau thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đồng thời, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội" - ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.
Phát biểu trong chương trình, ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cũng khẳng định rằng, Trung Quốc luôn coi trọng Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng, duy trì hợp tác lâu dài. Với Trung Quốc, Việt Nam là nước có địa vị hợp tác thương mại và là đối tác lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 4 trên thế giới (kim ngạch thương mại hai nước vượt 250 tỷ USD). Quy mô đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam được mở rộng với tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ USD.
“Hiện tại hai bên đang thúc đẩy kết nối nhanh chóng cơ sở hạ tầng đường sắt, đường cao tốc, cảng biển, nâng cao kết nối mềm hải quan thông minh, tiến tới thúc đẩy triển khai chuỗi cung ứng công nghiệp xuyên biên giới ổn định. Đặc biệt, cả hai nước đã có những hợp tác mạnh mẽ trong ngành thang máy, trong đó trọng tâm là nghiên cứu phát triển công nghệ mới trong ngành này”- Ông Quyền nói.
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 200.000 thang máy đang được sử dụng và con số này không ngừng tăng qua từng năm. Chính sự phát triển nhanh này đã giúp Việt Nam thành một trong những thị trường thang máy triển vọng nhất khu vực Đông Nam Á.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về sản phẩm nội địa sản xuất trong nước, ông Nguyễn Thanh Xuân – Tổng Giám đốc Công ty CP thang máy và Thiết bị Điện Hà Nội cho biết: Hiện nay thang máy sản xuất trong nước đang cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp phân phối thang máy nhập khẩu về giá. Bởi theo ông Xuân thang máy nhập khẩu được ưu đãi về thuế. Cụ thể là thuế nhập khẩu không phần trăm, thuế VAT 10%, còn doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nhập khẩu linh kiện, thiết bị đang đánh thuế rất cao, lên tới 35 %.
Cũng theo ông Xuân nếu thuế đánh nhập khẩu cao như vậy sẽ khiến giá thành của mặt hàng sản xuất trong nước đang bị đội chi phí sản xuất lên rất cao, khiến giá bán sản phẩm cũng cao. Điều này sẽ rất bất công cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước vì rất khó cạnh tranh với thang máy nhập khẩu.
Để giúp thị trường thang máy nội địa cạnh tranh lành mạnh được với thang máy nhập khẩu, ông Xuân đề xuất Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thiết bị sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó cần có các quy định cụ thể các loại cửa chống cháy trong lĩnh vực thang máy, hiện các Thông tư, Nghị định ban hành còn chồng chéo chưa được rõ ràng.
“Hiện chúng tôi chưa biết như thế nào được công nhận là cửa thang máy chống cháy, mô hình nào cao tầng nào thì lắp mà mô hình nào thì không. Mặt khác tôi cũng đề xuất Nhà nước có chi phí hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu các đề tài về công nghệ khoa học trong sản xuất, vận hành thang máy, vì doanh nghiệp tư nhân sẽ không đủ kinh phí để thực hiện…” – ông Xuân đề xuất.