Tạo đột phá cho du lịch Đà Nẵng trong năm 2025
Để đạt con số mục tiêu, Đà Nẵng xác định công tác truyền thông, xúc tiến trong thời gian tới là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là lượng khách quay trở lại.
Ngành du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút khách cơ sở lưu trú phục vụ năm 2025 ước đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024, bằng 136% so với năm 2019.
Truyền thông đẩy mạnh hình ảnh điểm đến
Cụ thể, Đà Nẵng phấn đấu phục vụ 4,3 triệu lượt khách quốc tế và hơn 6,2 triệu lượt khách nội địa, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành năm 2025 ước đạt 40,7 ngàn tỷ đồng. So với thời điểm năm 2019, tỷ lệ khách Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đến Đà Nẵng đều giảm, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số thị trường bù đắp như Đài Loan, Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Nga,...
Qua đánh giá, thực tế này đã phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách quốc tế truyền thống sang các điểm đến mới. Đồng thời cũng thể hiện rõ hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường khách quốc tế với các nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông – quảng bá điểm đến Đà Nẵng của thành phố... nhằm duy trì và tăng trưởng lượng du khách đến địa phương.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng thông tin khách nội địa vẫn là thị trường chính đến với địa phương (chiếm 63,3% thị trường). Và khách nội địa đến Đà Nẵng chủ yếu từ Hà Nội, TP.HCM, các đô thị phía Bắc, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long,... vào mùa cao điểm du lịch.
Để đạt được mục tiêu đề ra năm 2025, thời gian tới ngành du lịch Đà Nẵng sẽ truyền thông đẩy mạnh hình ảnh điểm đến du lịch Đà Nẵng đến các thị trường khách nội địa và quốc tế trọng điểm, trong đó chú trọng thu hút đối tượng khách đã từng đến Đà Nẵng tiếp tục quay trở lại để trải nghiệm. Với thị trường quốc tế, Đà Nẵng xác định duy trì tăng trưởng thị trường khách Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, mở rộng và khai thác thị trường khách Trung Quốc, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia), Ấn Độ, Mỹ, Úc, Trung Đông, Uzerbekistan.
“Cùng với đó là thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới”, bà Hạnh cho hay.
Hướng đến các thị trường tỉ dân
Trong năm 2025, Đà Nẵng xác định cơ cấu du lịch với thị trường nội địa chiếm 60,2% và quốc tế chiếm 39,8 %. Để thu hút được khách du lịch, địa phương này sẽ tập trung phát triển 6 nhóm sản phẩm, cụ thể từ Nhóm sản phẩm du lịch lễ hội, sự kiện; Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển; Nhóm sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, lễ hội, sự kiện, MICE; Nhóm sản phẩm du lịch ẩm thực; Nhóm sản phẩm du lịch ban đêm; Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa.
Đặc biệt, sẽ có 02 chiến dịch trọng tâm để thu hút khách với Chiến dịch 1 là “Da Nang A New Era of Travel” nhấn mạnh vào sự đổi mới và giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm du lịch chất lượng cao của Đà Nẵng và Chiến dịch 2 “Da Nang Say Hi” để thu hút khách du lịch quay trở lại Đà Nẵng. Với các chiến dịch này, ngành du lịch địa phương đã lên kế hoạch tung nhiều ưu đãi, quà tặng, hỗ trợ tại điểm đến,... để phục vụ khách du lịch.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đang chú trọng vào việc xúc tiến du lịch tại các thị trường tỉ dân như Ấn Độ, Trung Quốc. Đây cũng được xem là các thị trường gân và đầy tiềm năng để ngành du lịch địa phương tận dụng.
Ở Lễ hội Văn hóa và Giới thiệu Du lịch Việt Nam tại Côn Minh và Chương trình giới thiệu Văn hoá và Du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh mớ đây, ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đã cùng với các doanh nghiệp du lịch quảng bá đến các đối tác, đại lý du lịch tại Côn Minh & Trùng Khánh (Trung Quốc) về du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hoá, ẩm thực, mua sắm, du lịch MICE, golf, du lịch cưới và các lễ hội, sự kiện của địa phương. Cùng với đó là đề xuất xúc tiến mở các đường bay từ Vân Nam, Trùng Khánh đến Đà Nẵng trong thời gian tới.
“Đà Nẵng từ lâu đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự hiện diện trở lại của du lịch Đà Nẵng tại Trung Quốc, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu du lịch Đà Nẵng an toàn, thân thiện, hiếu khách đồng thời giới thiệu các sản phẩm du lịch mới của Đà Nẵng đến thị trường Trung Quốc”, ông Vương cho hay.
Tương tự, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khuyến nghị địa phương cũng các doanh nghiệp cần tận dụng lượng khách đến từ thị trường Ấn Độ. Ông Dũng cho rằng đây là một thị trường bền và các sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng khá phù hợp với văn hóa của Ấn Độ.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tìm hiểu, chuẩn bị kỹ càng về các vấn đề văn hóa, sắc tộc, ngôn ngữ và đặc biệt là ẩm thực nếu muốn đón lượng khách này. Thành phố cũng cần có những đầu tư và kêu gọi đầu tư lớn hơn để thu hút thêm sản phẩm, đặc biệt là vào dịch vụ ẩm thực. Hiện nay đã có nhà hàng Ấn Độ rồi nhưng nhà hàng lớn là chưa có và mở thêm các khóa đào tạo về cách thức phục vụ nguồn khách này là cần thiết”, ông Dũng đề xuất.
Theo các ý kiến, tại Đà Nẵng cần có những mô hình ẩm thực cao cấp, các trung tâm thương mại lớn để gia tăng chi tiêu của khách du lịch. Đồng thời, cần có thêm dịch vụ du lịch hạng sang, hút khách bằng việc tổ chức các sự kiện quy mô,... để khách du lịch và nhà đầu tư chú ý.