Lời nhắn gửi tới ngành Giáo dục
Mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam là phải phát triển tiệm cận với trình độ của các trường đại học danh tiếng trên thế giới, bắt đầu bằng việc tạo sự bình đẳng.
Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, nhận quyết định của Thủ tướng chuyển từ trường Đại học Duy Tân thành Đại học Duy Tân mới đây, Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu chúc mừng rất tâm huyết, có rất nhiều ý tứ và lời nhắn gửi không chỉ riêng cho Đại học Duy Tân, mà còn là đường lối hướng đi của bậc giáo dục đại học Việt Nam.
Đây là bậc học cuối nhằm tuyển dụng, đào tạo ra những người có kiến thức, trình độ đại học và quan trọng nhất là tư duy mang tầm đại học để phục vụ cho nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời kỳ mới, kỷ nguyên mới.
Ba mươi năm trước, ngày thành lập trường Đại học Duy Tân với cái tên mang tính đổi mới đã là một trong những lá cờ đầu của hệ giáo dục đại học ngoài công lập. Ngày đó, việc thí sinh thi đỗ đại học còn là sự kiện lớn, không chỉ với cá nhân mà còn là sự kiện của gia đình, dòng tộc.
Không thể phủ nhận ở những thập niên 60, 70, 80 cho đến tận thập niên 90, những người thi đỗ và tốt nghiệp đại học phần lớn là người xuất sắc, thực sự là tinh hoa trong học tập, nghiên cứu. Đặc biệt, người được cử đi học ở nước ngoài – họ là người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ bắt đầu mở cửa, hội nhập.
Đến thời kỳ sau năm 2000, các loại hình hoàn thiện hệ thống bằng cấp bắt đầu bung ra để theo kịp yêu cầu về cơ chế, chính sách, quy định về bằng cấp, nên các lớp chuyên tu, tại chức mở ra như nấm. Tiếp đến là việc các trường đại học, cao đẳng mở mới, nâng cấp liên tục, làm cho việc tuyển chọn đầu vào không còn khắt khe, đòi hỏi cao như trước. Có người còn nói đùa ví von “Có con tốt nghiệp cấp 3, đừng lảng vảng gần cổng trường đại học, không thì sẽ bị bắt vào làm sinh viên đấy”.
Đầu vào như vậy thì khó đòi hỏi được chất lượng đầu ra đảm bảo, nên mới sinh hiện tượng sinh viên tốt nghiệp đại học xong đi chạy xe ôm công nghệ, đi giao hàng…
Sau mấy chục năm đổi mới, kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng đáng khâm phục, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng chục lần so với thời kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Tư duy người dân thay đổi; thay vì bỏ chi phí cho con học 4 đến 5 năm đại học mà ra trường còn chưa biết tương lai có được làm việc phù hợp với chuyên môn đào tạo hay không, họ lựa chọn cho con cái làm nghề hoặc kinh doanh. Và như vậy, bậc học đại học lại là bậc học dành cho người có khả năng, năng lực học hành, cũng như có đủ điều kiện về kinh tế để theo học.
Việc học tập, nghiên cứu ngày nay cũng khác ngày trước. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự thông minh của trí tuệ nhân tạo giúp việc tiếp cận thông tin, tài liệu cũng như học tập, nghiên cứu của sinh viên khác xa thế hệ trước. Cho nên, mục tiêu của giáo dục đại học Việt Nam là phải phát triển tiệm cận với trình độ của các trường đại học danh tiếng trên thế giới, bắt đầu bằng việc tạo sự bình đẳng.
Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu:
“Đảng và Nhà nước ta coi việc phát triển khối các cơ sở giáo dục ĐH công và khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập là bình đẳng. Chính sách và cơ chế quản lý hai khối này đang theo hướng tới tập trung vào quản lý chất lượng, kết hợp với kiểm tra, giám sát, gia tăng tự chủ, tự giải trình và tự chịu trách nhiệm xã hội.”
Chỉ có như vậy, các trường đại học mới cởi mở trong cơ chế thu hút nguồn lực cũng như thu hút nhân tài về đầu quân cho mình, từ giảng viên đến sinh viên. Việc xây dựng thành công thương hiệu và chất lượng cũng giúp nhiều tập đoàn kinh tế sẵn sàng đầu tư cho việc đào tạo, rồi tuyển dụng nhân tài, cung cấp kinh phí cho việc nghiên cứu thí nghiệm. Chỉ có phát minh sáng tạo, chuyển đổi công nghệ mới có thể mang lại thành công trong sự cạnh tranh gay gắt của thế giới hiện nay.
Bậc đại học ngày nay đúng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu:
“Rất mong các quý thầy cô có chí lớn, khát vọng lớn, tầm nhìn lớn. Chỉ có chí lớn, khát vọng lớn, khát vọng chân chính mới đưa sự nghiệp của một người, một tập thể đi tới kết quả lớn, thành tựu lớn.”
Chỉ có nghĩ lớn, làm lớn mới có thể tiếp cận và dấn thân vào những lĩnh vực khoa học mới, công nghệ mũi nhọn. Việt Nam vẫn thiếu công nghệ lõi do chính người Việt phát minh, làm chủ. Kinh tế bây giờ khá hơn trước, có của ăn của để, thì không thể giữ mãi tư duy “lấy công làm lãi”, lấy sức kiếm tiền hay khai thác thế mạnh về tài nguyên, địa hình mà phải đầu tư vào cả những lĩnh vực đầu tư nhiều mà thu hồi vốn chậm như công nghệ nguyên tử, hạt nhân, trí tuệ nhân tạo…
Sau nhiều năm chiến tranh đau thương mất mát, Việt Nam đang tiến vào kỷ nguyên mới với nhiều lợi thế. Giáo dục bậc đại học thành công là thành tựu của ngành Giáo dục, là nguồn lực lớn lao về con người góp phần vào sự thành công của đất nước.