Châu Á cần củng cố sản xuất và thương mại trong bối cảnh mới
Theo nhiều chuyên gia, châu Á cần đa dạng hóa các lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường khả năng phục hồi của lực lượng lao động và thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững để duy trì vị thế.
Với viễn cảnh một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập hơn dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ II, các nền kinh tế châu Á phải xoay trục để duy trì vị thế dẫn đầu trong thương mại toàn cầu và cải thiện các công cụ của mình để không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ.
Ngành sản xuất của Mỹ đã suy giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, mặc dù năng suất và số lượng việc làm đã tăng trở lại trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc phục hồi ngành sản xuất không phải là con đường dễ dàng để tạo ra việc làm.
Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo sẽ khiến ngành sản xuất thâm dụng vốn và công nghệ cũng như không chuyển thành cơ hội việc làm đáng kể cho những người lao động có kỹ năng thấp.
Việc ông Trump cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp và giảm bớt quy định nhằm kích thích hoạt động kinh doanh và đầu tư có thể sẽ mang lại lợi ích cho tầng lớp trung lưu và thấp hơn.
Tuy nhiên, các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu hoạt động như một loại thuế gián tiếp đánh vào người Mỹ, góp phần gây ra lạm phát, như đã thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Các cuộc chiến thương mại cũng có thể khiến thị trường nước ngoài đóng cửa với hàng xuất khẩu của Mỹ, gây tổn hại thêm cho nền kinh tế.
Lợi thế sản xuất của Mỹ đã giảm sút. Sự thay đổi này, kết hợp với chi phí lao động tăng và cơ sở hạ tầng cũ kỹ ở Hoa Kỳ đồng nghĩa với các công việc sản xuất truyền thống khó có thể quay trở lại với số lượng đáng kể.
Theo bà Janet Pau, Giám đốc điều hành của Asia Business Council, châu Á phải chuẩn bị cho những chính sách trái với logic kinh tế do các lực lượng chính trị nội bộ ở Mỹ. Những cam kết của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về việc đưa việc làm từ châu Á trở lại Mỹ có thể dẫn đến những xáo trộn lớn đối với các hoạt động sản xuất và thương mại hiện có.
Vào thời điểm này, châu Á cần tập trung vào việc duy trì và tăng cường sự thống trị của mình trong lĩnh vực sản xuất và thương mại toàn cầu. Để thích ứng với bối cảnh kinh tế mới, bà Janet Pau cho rằng khu vực này sẽ cần cân nhắc đa dạng hóa trong các lĩnh vực công nghệ cao, tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi của lực lượng lao động và cải thiện thương mại bằng cách thúc đẩy chuỗi cung ứng kỹ thuật số và bền vững.
Đầu tiên, các nền kinh tế châu Á phải đa dạng hóa hoạt động sản xuất công nghệ cao để ứng phó với những thay đổi trong chính sách của Mỹ. Trong một số trường hợp, điều này có nghĩa là phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi khu vực và chuyển chúng đến các thị trường chính.
Khả năng ông Trump hủy bỏ các sáng kiến như Đạo luật Chips và Khoa học, thay vào đó có khả năng ông sẽ áp dụng mức thuế cao hơn với chất bán dẫn và đặt ra những thách thức đáng kể cho Hàn Quốc và Đài Loan.
Các nền kinh tế này có thể bị áp lực phải tăng đầu tư vào Mỹ để giảm thiểu tác động của thuế quan. Điều này cũng đòi hỏi các nước châu Á phải có chiến lược rộng hơn để giảm phụ thuộc vào bất kỳ thị trường đơn lẻ nào.
Hơn nữa, để duy trì khả năng cạnh tranh và vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Janet Pau nói thêm, các nền kinh tế châu Á có thể tận dụng thế mạnh riêng để đáp ứng nhu cầu thị trường mới. Ví dụ, Nhật Bản có thể tập trung vào các công nghệ dành cho dân số già, Hàn Quốc tập trung vào giải trí và Trung Quốc tập trung vào các giải pháp năng lượng tái tạo.
"Bằng cách liên kết năng lực của mình với nhu cầu đang thay đổi của các thị trường Mỹ và EU đã phát triển, cũng như nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường mới nổi, các quốc gia này có thể thiết lập các vai trò khó có thể thay thế", chuyên gia này đánh giá.
Điều này đảm bảo nhu cầu bền vững đối với hàng xuất khẩu của khu vực và định vị họ là những người chơi chính trong bối cảnh tương lai của các ngành công nghiệp do công nghệ thúc đẩy.
Thứ hai, các nền kinh tế châu Á nên cân nhắc áp dụng phương pháp tiếp cận kinh tế mới. Không giống như mô hình "nhỏ giọt xuống", dựa vào mức thuế thấp và không mang lại lợi ích đáng kể cho người lao động, chiến lược "nhỏ giọt lên" nhấn mạnh vào cả việc thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng và nâng cao sự sẵn sàng của lực lượng lao động.
Việc triển khai mạng lưới an sinh xã hội mạnh mẽ là rất quan trọng để duy trì sự ủng hộ cho thương mại và thị trường mở. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng lương tối thiểu và cung cấp hỗ trợ tài chính tốt hơn cho việc chăm sóc người già và trẻ em.
Đồng thời, các quốc gia phải trao quyền và trang bị cho người lao động các công cụ cần thiết để thích ứng với tự động hóa và nâng cao năng suất. Khoản đầu tư vào nguồn nhân lực này là điều cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và đảm bảo lợi ích của tăng trưởng kinh tế, giúp ngăn chặn phản ứng dữ dội trong tương lai đối với toàn cầu hóa và số hóa.
Thứ ba, châu Á phải cải thiện thương mại tốt hơn. Mặc dù chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có thể thúc đẩy việc xem xét lại các địa điểm sản xuất toàn cầu, nhưng khó có thể dẫn đến việc đưa hàng hóa trở lại sản xuất nội địa trên diện rộng do các yếu tố về chi phí và hiệu quả.