Thuế quan dưới thời ông Trump có đáng lo?
Chiến thắng áp đảo đầu tháng 11 vừa qua hứa hẹn giúp ông Donald Trump có một không gian rộng mở để thực thi các đề xuất thuế quan của mình.
Ông Trump cam kết sẽ áp thuế nhập khẩu từ 10% tới 20% đối với các quốc gia đối tác thương mại của Mỹ. Với vị thế là đối tác xuất khẩu lớn của Mỹ, Việt Nam có lý do để lo lắng.
Thuế quan sẽ tăng vọt?
Là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đang hưởng mức thuế tối huệ quốc (MFN) khi xuất khẩu sang Mỹ - dao động từ dưới 1% đến gần 40%. Trong đó, các mặt hàng dệt may chịu mức thuế từ 2% đến 7%, trong khi giày dép thường chịu mức thuế cao hơn.
Nếu thuế quan mới tăng vọt, giảm thị phần và sức cạnh tranh tại Mỹ là điều mà các doanh nghiệp Việt có thể lường trước. Trong năm 2024, thị trường Mỹ vẫn đóng vai trò trọng yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ khoảng 98 tỷ USD hàng hóa, đạt gần 1/3 kế hoạch xuất khẩu dự kiến 377 tỷ USD.
Chênh lệch cán cân thương mại dễ là điều khiến chính quyền mới của ông Trump chú ý. Trong kim ngạch thương mại vào khoảng 111 tỷ USD tới nay, Việt Nam mới chỉ nhập khoảng 12,3 tỷ USD từ Mỹ.
Mexico cũng nằm trong số 10 quốc gia có nguy cơ cao bị áp thuế dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, căn cứ theo chỉ số “Trump Risk” do tờ The Economist đánh giá năm nay.
Có ý kiến cho rằng Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ mới được nâng cấp có thể góp phần giảm thiểu cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump. Tuy nhiên, ông Andreas Vogelsanger, CEO Quỹ Asia Frontier Capital, cho rằng mối quan hệ này sẽ ít tiến triển, và triển vọng đạt được một hiệp định thương mại tự do với Mỹ trong nhiệm kỳ tới của ông Trump là không cao.
“Thay vào đó, các thỏa thuận thương mại nhỏ có thể khả thi hơn. Ngoài ra, sự không chắc chắn về Khung Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) cũng tạo ra thêm thách thức cho Việt Nam”, ông Andreas Vogelsanger nói.
Dù vậy, một số chuyên gia trấn an về mức độ nghiêm trọng của tình hình. Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc Boston Consulting Group (BCG) tại Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ còn quá sớm để nói về những tác động tiêu cực đối với Việt Nam dưới thời ông Trump. Có lẽ sẽ rõ ràng hơn trong những tháng tới khi có thêm nhiều thông tin từ ông ấy”, ông Arnaud Ginolin nhấn mạnh.
Một số Cố vấn của ông Trump cũng từng thừa nhận các đe dọa thuế quan có thể chỉ là một chiến thuật của ông nhằm đạt được những lợi thế trên bàn đàm phán, nhất là khi ông thường phàn nàn về sự thiếu công bằng mà kinh tế Mỹ hứng chịu từ nền thương mại tự do.
Thêm nguy cơ từ Trung Quốc
Việt Nam cũng cần cẩn trọng nếu hàng hóa từ Trung Quốc tràn vào thị trường khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 căng thẳng hơn, nhất là khi ông Trump đã dọa sẽ đánh thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc.
“Việt Nam có khả năng phải đối mặt với lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu tăng lên nhờ vào lợi thế về logistics và thuế quan. Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước”, ông Andreas Vogelsanger cho biết.
Việt Nam cũng càng phải cảnh giác trước việc hàng hóa Trung Quốc núp bóng xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ. Ông Andreas Vogelsanger cảnh báo các cơ quan thương mại Mỹ có thể “mạnh tay” hơn với hàng Việt Nam nếu phát hiện những bất thường liên quan tới xuất xứ.
“Nếu được thực thi, các biện pháp như Luật Thuế quan Đối ứng có thể tác động tới Việt Nam liên quan tới việc né tránh thuế thông qua chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Điều này đã được thấy trong các chính sách trước đây của Mỹ ảnh hưởng đến các tấm pin mặt trời của Trung Quốc được sản xuất tại Việt Nam”, ông Andreas Vogelsanger nhận định.
Trong năm 2024, Bộ Thương mại Mỹ đã nhắm tới hàng loạt nhà sản xuất pin mặt trời Việt Nam để điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp do nghi ngờ sử dụng linh kiện Trung Quốc để né thuế. Kết luận sơ bộ đã đưa ra mức thuế lên đến 292,61% với các doanh nghiệp không hợp tác, dù một số doanh nghiệp đã được miễn thuế.
Tìm hướng mở khi cánh cửa đóng
Tuy nhiên, ông Andreas Vogelsanger cho rằng không phải mọi con đường tới thị trường Mỹ đều đóng lại. Một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có thể hưởng lợi dưới thời ông Donald Trump. “Các ngành như dệt may, thủy sản và sản phẩm gỗ có thể hưởng lợi từ nhu cầu tiếp tục tăng cao ở thị trường Mỹ, và lợi thế thuế quan so với các nhà cung cấp Trung Quốc”, ông Andreas khẳng định.
Cảng biển và logistics cũng sẽ có cơ hội tăng trưởng khi nhu cầu giao thương hứa hẹn sẽ tăng đột biến trước khi các hàng rào thuế quan mới có hiệu lực. Nếu Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam, thì Việt Nam có động lực để khai phá những thị trường xuất khẩu mới căn cứ vào mức độ hiệu quả của chính sách ngoại giao hiện tại.
“Chính sách không liên kết của Việt Nam có thể củng cố vị thế của mình trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi”, ông Andreas Vogelsanger lạc quan và nhận định về dài hạn, sự biến động chuỗi cung ứng toàn cầu - vốn ảnh hưởng bởi chương trình ‘Nước Mỹ trên hết’ và xu hướng phi toàn cầu hóa - cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho các tuyến vận chuyển, trong đó có Việt Nam.