Đây là lý do nhiều thành phố lớn tại Đông Nam Á có nguy cơ biến mất
Theo nhiều chuyên gia, các nước Đông Nam Á cần hợp tác để tìm ra các giải pháp hạ tầng bền vững nhằm đối phó tốt hơn với các thảm hỏa thiên nhiên trong tương lai.
Hiện nay, Thủ đô Bangkok, Thái Lan nằm ở vị trí nguy hiểm, chỉ cách mực nước biển 1,5 mét. Chỉ có rất ít sự ngăn cách giữa những con sóng ngày càng dâng cao và những con đường, các nhà máy, trung tâm mua sắm và các tòa nhà cao tầng của thành phố. Tất cả những yếu tố này đang góp phần khiến mặt đất chìm xuống, trung bình lên tới 2cm mỗi năm.
Chỉ có những khu rừng ngập mặn non trẻ, cùng những cộng đồng ngư dân đang nỗ lực tạo nên các hàng rào phòng thủ thô sơ để ngăn nguy cơ Bangkok chìm dưới mực nước biển. Đã có nhiều cảnh báo rằng đến giữa thế kỷ này, mực nước biển dâng có thể nhấn chìm phần lớn thành phố.
Tương tự, trong 50 năm qua, Jakarta đã chìm với tốc độ lên tới 25 cm mỗi năm, đặc biệt là ở các khu vực ven biển như Muara Baru, nơi có nền đất và trầm tích rời rạc. Theo một số nghiên cứu, khoảng 20% diện tích Jakarta hiện đã nằm dưới mực nước biển, bao gồm cả các cửa sông của 13 con sông trong thành phố.
Điều này khiến thành phố dễ bị lũ lụt hơn - các con sông tràn bờ và nhấn chìm các khu vực thấp hơn gần đó - vì các tuyến đường thủy mất khả năng tự thoát nước ra biển.
Singapore cũng phải đối mặt với mối đe dọa của mực nước biển dâng cao, dự báo sẽ lên tới 1,15m vào cuối thế kỷ này. Giờ đây, Jakarta, Kuala Lumpur hay thành phố Hồ Chí Minh đang phải tìm ra những giải pháp mới để đối phó với tình trạng này.
Các chuyên gia nhận định, biến đổi khí hậu đang làm tăng thêm sức mạnh của nước trong và xung quanh các khu vực đô thị, từ mực nước biển dâng cao đến những cơn bão mạnh hơn và những trận mưa thất thường trong khu vực.
Điều này đang đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên đất liền, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của các nền kinh tế quan trọng và khả năng làm sụp đổ của cơ sở hạ tầng đô thị quan trọng cũng như các hệ sinh thái tự nhiên.
Để đối phó với vấn đề cấp bách này, vào tháng 9, ông Thaksin Shinawatra, cố vấn của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, đã đưa ra một kế hoạch cấp tiến để xây dựng một dự án lớn cách bờ biển tới 3km, ở vùng bờ biển rộng lớn bên ngoài Bang Khun Thian.
Được mệnh danh là "Chuỗi ngọc trai", dự án sẽ bao gồm một chuỗi chín hòn đảo nhân tạo đóng vai trò như một rào cản ngăn mực nước biển dâng cao.
Mỗi hòn đảo sẽ được trang bị các bức tường chắn biển, lấy cảm hứng từ hệ thống cơ sở hạ tầng giảm thiểu lũ lụt khổng lồ được xây dựng ở Hà Lan, đặc biệt là công trình Delta Works. Những đảo nhân tạo này có thể làm giảm xói mòn bờ biển. Các quốc gia không cần thu hồi đất và cũng không gây ra tác động nào trong quá trình xây dựng.
Indonesia cũng đã cân nhắc ý tưởng xây dựng một bức tường biển khổng lồ dài 30 km, cách bờ biển Jakarta khoảng 4 km, nơi mặt đất không bị lún.
Kế hoạch này được đề xuất lần đầu tiên vào năm 2014, hứa hẹn sẽ là giải pháp lâu dài cho tình trạng sụt lún đất ở Jakarta cũng như chắn mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Bức tường trị giá 3,7 tỷ đô la Mỹ cũng được thiết kế để phục vụ nhiều mục đích: Một tuyến đường thu phí nối Jakarta và các vùng ngoại ô; và một hồ chứa nước, nơi nước từ 13 con sông của Jakarta được tập trung và xử lý để làm nguồn nước uống.
Tuy nhiên, các giải pháp được đưa ra đều tốn kém và mất nhiều thời gian. Đặc biệt, kế hoạch của Jakarta bị gác lại vì thiếu vốn đầu tư cũng như những lời chỉ trích rằng nó có thể gây hại cho hệ sinh thái rừng ngập mặn, khiến ngư dân khó ra khỏi Vịnh Jakarta và đánh bắt cá ở Biển Java hơn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Heri Andreas, một nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Bandung, chỉ ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là khai thác quá mức nước ngầm vẫn chưa được các chính phủ Đông Nam Á chú trọng.
"Thật khó để người dân hiểu được hậu quả của việc khai thác nước ngầm vì tình trạng sụt lún đất diễn ra dần dần trong một thời gian dài. Đó là lý do tại sao họ cứ đào sâu hơn nữa để lấy nước mà không nhận ra rằng thành phố của họ đang bị chìm”, ông nói.
Do đó, chuyên gia Nirwono thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị Indonesia nhận định, thay vì xây dựng các công trình chắn biển khổng lồ, các quốc gia cần ưu tiên các giải pháp bền vững từ tự nhiên, như tái tạo rừng ở các vùng ven biển.
"Đây không chỉ là giải pháp thân thiện với môi trường hơn mà còn mang lại lợi ích kinh tế. Cá và các sinh vật biển khác cũng có thể phát triển mạnh và trở thành nguồn thu nhập cho những ngư dân tại Đông Nam Á", ông gợi ý.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Mohd Fairullazi Ayob thuộc Khoa Kiến trúc và Thiết kế Môi trường tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia cho rằng, các quốc gia như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam nên khám phá và áp dụng khái niệm “Thành phố bọt biển” đã được Trung Quốc áp dụng đáng kể để khắc phục các vấn đề ngập lụt đô thị trong những năm gần đây.
Đây cũng là một ví dụ về việc khai thác thiên nhiên để cải thiện khả năng chống sụt lún. Một “thành phố bọt biển” sẽ bao gồm các con đường thấm nước, vườn trên mái nhà, xây dựng các vùng đất ngập nước và hồ nhân tạo, phát triển vườn cộng đồng và trồng cây xanh.
Các thành phố bọt biển có khả năng hấp thụ và giữ nước tốt hơn, giảm lượng nước chảy tràn trên bề mặt và giảm nguy cơ lũ lụt, đồng thời thích ứng cao với những thay đổi về môi trường và thiên tai.
Theo ông Decharut Sukkumnoed, Giám đốc Trung tâm Think Forward tại Thái Lan, trong khuôn khổ chính sách theo Điều 7 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khuyến khích các quốc gia thành viên chia sẻ các chiến lược, nguồn lực và kiến thức để ứng phó tốt hơn với thiên tai như lũ lụt.
"Các nước có thể cùng nhau đầu tư, cùng chia sẻ và cùng nhau chuẩn bị tốt hơn cho tương lai", ông nói.