Chính trị - Xã hội

Thu hút người tài vào ngành Giáo dục nhìn từ dự án Luật Nhà giáo

Minh Phong 20/11/2024 05:00

Một trong những mục tiêu quan trọng của dự án Luật Nhà giáo là thu hút nhân tài có trình độ cao và tâm huyết vào ngành Giáo dục.

Từ trước đến nay Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, xem họ là một phần quan trọng trong sự phát triển của đất nước và xã hội. Chính vì vậy, nhiều chế độ và chính sách đã được ban hành để bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo, giúp họ an tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Việc áp dụng các chính sách lương và phụ cấp cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng, khuyến khích và tri ân công lao của họ trong công tác giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phải đối mặt với nhiều thách thức.

dăng kim son
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày về dự án Luật Nhà giáo sáng 9/11. Ảnh: Media Quốc hội

Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế của quốc gia vẫn còn hạn chế, ngành giáo dục hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc thu hút và giữ chân giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ và giảng viên mới tuyển dụng. Do đó, dù có những chế độ đãi ngộ nhưng thực tế cho thấy thu nhập của giáo viên trẻ chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu sống cơ bản, đặc biệt là trong bối cảnh biến động về giá cả và tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Đến thời điểm hiện tại, lương nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, đặc biệt là so với các chủ trương đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết số 29-NQ/TW về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chính sách lương hiện nay vẫn chưa đủ để thu hút người tài vào ngành giáo dục, đặc biệt là ngành sư phạm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt giáo viên chất lượng, hoặc nếu có giáo viên tài năng, họ lại không thể toàn tâm vào công việc giảng dạy vì các vấn đề liên quan đến mức thu nhập và chế độ đãi ngộ.

Mặc dù giáo viên được hưởng các phụ cấp, tuy nhiên mức lương cơ bản vẫn còn khá thấp, khiến cho ngành giáo dục không thể cạnh tranh với các ngành nghề khác trong việc thu hút những người có tài năng và trình độ cao.

Và khi giáo viên không hài lòng với chế độ đãi ngộ, họ khó có thể toàn tâm vào công việc giảng dạy, dẫn đến tình trạng chất lượng công việc bị giảm sút. Động lực làm việc của giáo viên sẽ bị ảnh hưởng nếu họ cảm thấy không được trân trọng và không có đủ hỗ trợ tài chính từ chính sách lương.

Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt ở các vùng khó khăn, không phải vì thiếu biên chế mà vì các địa phương không có đủ nguồn tài chính để tuyển dụng giáo viên. Cchế độ lương hiện tại đã hạn chế khả năng thu hút giáo viên vào những khu vực này, nơi mà điều kiện làm việc cũng khó khăn hơn.

Nói vậy để thấy chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ giáo viên, và điều này lại phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc và các quy định tuyển dụng, phát triển nghề nghiệp của họ. Những nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về nhà giáo do Bộ GD&ĐT tổ chức kể từ năm 2018 đã chỉ ra một số vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường làm việc của giáo viên.

Thứ nhất, chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào hệ thống giáo trình hay phương pháp giảng dạy, mà đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, việc đầu tư vào giáo viên, tạo ra một môi trường làm việc tích cực, sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

Thứ hai, các chính sách lương, phúc lợi, đào tạo phát triển nghề nghiệp của giáo viên phải được thiết kế sao cho phù hợp với đặc thù nghề nghiệp. Chế độ đãi ngộ và tôn vinh giáo viên không thể áp dụng các quy định chung cho các viên chức khác, mà cần có các quy định riêng biệt để đảm bảo sự phù hợp và tương xứng với những đặc thù lao động của nghề giáo.

Thứ ba, hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là về viên chức chưa hoàn toàn phù hợp với tính chất đặc thù của nghề giáo. Đặc biệt là những quy định về lương, chế độ đãi ngộ, cũng như quy trình tuyển dụng và phát triển nghề nghiệp. Nhà giáo cần được coi là “nhân lực của nhân lực”, và chính sách đối với họ phải phản ánh đúng vị thế và đặc thù của nghề giáo.

Nếu coi nhà giáo là nguồn nhân lực đặc biệt thì các chính sách dành riêng cho họ cần được nâng cao. Các chính sách về tiền lương, phúc lợi, tôn vinh, khen thưởng, và phát triển nghề nghiệp phải tương xứng với vai trò quan trọng mà giáo viên đóng góp cho sự phát triển của xã hội và đất nước.

Và để nâng cao chất lượng giáo dục, cần phải đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ giáo viên, từ chế độ đãi ngộ đến môi trường làm việc. Các nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, một hệ thống giáo dục thành công không thể thiếu những giáo viên chất lượng, và để đạt được điều đó, cần có các chính sách đặc biệt cho nghề giáo, đảm bảo sự phù hợp và tương xứng với công lao của họ.

Mới đây, dự án Luật Nhà giáo được do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá được kỳ vọng tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà giáo phát triển. Dự thảo này sẽ bao gồm các chính sách hỗ trợ và thu hút nhân tài vào ngành Giáo dục, đặc biệt là đối với những nhà giáo có tâm huyết, làm việc ở các vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo.

Dự án Luật Nhà giáo đã tính toán lại các chính sách lương, bao gồm cả lương cơ bản và các phụ cấp cao nhất, nhằm cải thiện đời sống cho giáo viên. Đặc biệt là phụ cấp theo Kết luận 91/KL-TW sẽ được áp dụng, giúp giáo viên có thu nhập ổn định và xứng đáng với công lao của họ.

Một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo là thu hút nhân tài vào ngành giáo dục. Các chính sách sẽ tập trung vào việc thu hút người có trình độ cao và tâm huyết vào nghề, nhất là đối với các vùng khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục mà còn đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Dự án Luật cũng sẽ xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu của nhà giáo, đặc biệt là đối với giáo viên mầm non và những người có trình độ cao, nhằm giúp duy trì sự dẻo dai của đội ngũ giáo viên, đồng thời tạo cơ hội cho các giáo viên có kinh nghiệm đóng góp lâu dài cho ngành.

Dự án Luật Nhà giáo kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách thu hút những người giỏi vào ngành, giảm bớt sự thiếu hụt giáo viên ở các khu vực khó khăn. Đồng thời, cải thiện đời sống và môi trường làm việc của giáo viên, tạo điều kiện để họ tập trung vào công việc giảng dạy mà không phải lo lắng về đời sống cá nhân. Khuyến khích giáo viên có tâm huyết cống hiến lâu dài cho ngành giáo dục, đặc biệt là những giáo viên tại các cơ sở giáo dục ở các khu vực đặc biệt khó khăn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của giáo dục Việt Nam trong tương lai.

Hy vọng, những chính sách mới trong dự án Luật Nhà giáo nếu được thực thi sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho đội ngũ giáo viên - nơi mà họ không chỉ được bảo vệ về các điều kiện vật chất, tinh thần và an sinh xã hội, mà còn có thể an tâm tập trung vào công tác giảng dạy và phát triển nghề nghiệp một cách bền vững.

Minh Phong