Cuộc thi Sáng kiến Mekong: Hỗ trợ vốn đầu tư, phát triển các dự án khởi nghiệp xanh
Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức vòng chung kết và trao giải Cuộc thi Sáng kiến Mekong với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Phát triển bền vững”.
Cuộc thi diễn ra từ tháng 9 - 11/2024 với các vòng: sơ khảo, bán kết, chung kết. Lĩnh vực dự thi là các dự án khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các mô hình, giải pháp, sáng kiến về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; giải pháp chế biến, khai thác, tạo giá trị gia tăng tài nguyên bản địa; các lĩnh vực khác phù hợp với chủ đề của cuộc thi.
Vòng chung kết Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 được diễn ra tại Diễn đàn với sự tham gia sôi nổi của các bạn trẻ với 136 dự án đến từ 18 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước. Qua các vòng sơ khảo và bán kết đầy cạnh tranh, Ban Giám khảo đã lựa chọn 10 dự án xuất sắc vào vòng chung kết.
Phát biểu khai mạc Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Diễn đàn Mekong Startup lần thứ 2 tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”. Đây là Diễn đàn thường niên vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu là hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về phát triển ĐBSCL theo hướng "phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng".
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và biến động thị trường làm thay đổi xu thế tiêu dùng và tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Để phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung thì việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu, Thứ trưởng khẳng định.
Theo ông Trần Trí Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Cuộc thi Sáng kiến Mekong nhằm tìm kiếm những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh, giảm phát thải phù hợp với điều kiện của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng vào việc gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời, kết nối với các quỹ đầu tư nhằm tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư, phát triển các dự án.
Tham dự vòng chung kết năm nay không chỉ có sự góp mặt của các giám khảo là chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, mà còn có sự góp ý chuyên môn sâu và xem xét đầu tư từ đại diện các quỹ đầu tư lớn.
Tại vòng chung kết, tác giả các dự án trình bày ý tưởng, thuyết trình, lập luận về tính mới lạ, sáng tạo; đồng thời, trả lời câu hỏi của Ban Giám khảo về tính khả thi của dự án. Bên cạnh đó, các mô hình của các dự án đã được triển lãm xuyên suốt hai ngày sự kiện.
Trải qua các phần thi tại vòng chung kết Ban Giám khảo đánh giá cao một số dự án như: Áo giáp hạt giống; thu gom và xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra - ủ biogas và sản xuất năng lượng tái tạo; bộ sản phẩm xanh ENDOTA sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp; chuỗi giá trị tuần hoàn, giảm phát thải ngành thủy sản alphamin; dự án Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay. Cùng với đó là dự án netzero pallet - pallet làm từ vỏ dừa; airboots - robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa với 3 chức năng gieo hạt, phun thuốc và bón phân…
Giải nhất thuộc về dự án "Chuỗi giá trị tuần hoàn, giảm phát thải ngành thủy sản alphamin", tác giả Nguyễn Trung Tính (Đồng Tháp). Dự án này đưa ra giải pháp phục vụ nuôi trồng thủy sản giảm phát thải, giảm ô nhiễm hữu cơ trong môi trường nước và chế biến sản phẩm lạp xưởng ếch tươi Amin Pro.
Giải nhì, thuộc về dự án "Airboots - robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa với 3 chức năng gieo hạt, phun thuốc và bón phân" của tác giả Lê Thị Thu Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh).
Giải ba thuộc về dự án "Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay" của tác giả Hồ Ngọc Trâm (Đồng Tháp).
Ngoài ra Ban Giám khảo cũng trao 6 giải khuyến khích cho các dự án: Dự án NetZero Pallet - Pallet làm từ vỏ dừa của tác giả Lê Thanh (TP HCM); Dự án Bộ sản phẩm xanh Endota sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp của tác giả Võ Duy Khánh (Đồng Tháp); Dự án Bê tông xanh sản xuất từ vật liệu tái chế, đặc biệt là xỉ lò cao (GGBS), thay thế một phần xi măng trong hỗn hợp bê tông truyền thống của tác giả Nguyễn Thiên Phú (Trà Vinh); Dự án nấm đồng trùng hạ thảo (cordycep militaris) từ tính chất dừa - (không dùng cơ chất sâu nhộng) của tác giả Võ Lê Như Ngọc (Bến Tre); Dự án "Áo giáp hạt giống" sản xuất từ các phụ phẩm nông nghiệp của địa phương được trình bày bởi CEO Thạch Hoàng Anh (Cần Thơ); Dự án Thu gom và xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra - ủ biogas và sản xuất năng lượng tái tạo, được trình bày bởi CEO Lê Minh Hiếu (Đồng Tháp); Dự án Máy đọc chỉ số thông minh: nước, điện, gas, khí -cung cấp dịch vụ đọc tự động và theo dõi chỉ số tiêu thụ nước, điện, gas và khí một cách chính xác, theo thời gian thực được trình bày bởi Nguyễn Thành Công (Hà Nội).