Kinh tế địa phương

Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu: Minh bạch trong tiếp cận đất đai

Kim Dung - Duy Phường 16/11/2024 23:08

Tiếp cận đất đai là chỉ số quan trọng trong PCI, tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy, góp phần thu hút nhà đầu tư và giữ chân các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương.

Do đó, minh bạch trong tiếp cận đất đai là việc đảm bảo rằng quy trình tiếp cận, sử dụng, và quản lý đất đai diễn ra một cách công khai, rõ ràng và công bằng, với mục tiêu tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức được tiếp cận thông tin và cơ hội sử dụng đất một cách minh bạch, tạo sự hiệu quả trong sử dụng quỹ đất.

1(4).jpg
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đất đai tại Bà Rịa – Vũng Tàu nhờ chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Trong ảnh: KCN đô thị và sân golf Châu Đức có quy mô hơn 2000ha

Nâng cao thứ hạng chỉ số “Tiếp cận đất đai”

Ông Phan Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, “Tiếp cận đất đai” là 1 trong 10 chỉ số thành phần đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thể hiện việc tiếp cận đất đai dễ hay không dễ và tính ổn định trong quá trình sử dụng đất. Đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá khả năng thu hút đầu tư và được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Những năm gần đây, chỉ số “Tiếp cận đất đai” của Bà Rịa - Vũng Tàu có xu hướng gia tăng về thứ hạng. Cụ thể, tăng từ 6,85 điểm (năm 2020) lên 7,01 điểm (năm 2021). Đáng chú ý, năm 2022, chỉ số “Tiếp cận đất đai” của Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh lên 7,66 điểm, giúp tỉnh vươn lên xếp vị trí thứ 4 trong nhóm các tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất cả nước. Năm 2023, chỉ số này tiếp tục được tỉnh giữ vững ở Top cao cả nước với 7,16 điểm, cao hơn điểm trung vị của cả nước là 6,75 điểm.

VCCI đánh giá, năm 2023, trở ngại trong tiếp cận đất đai với doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, kết quả năm 2023 cho thấy, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 4 chỉ số con trong Chỉ số “Tiếp cận đất đai” đạt kết quả tốt. Đó là: doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận, mở rộng mặt bằng kinh doanh; tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn, chậm giải phóng mặt bằng; việc cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng; thay đổi khung giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường.

Theo ông Phan Văn Mạnh, năm 2024 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu duy trì và nâng cao chỉ số “Tiếp cận đất đai” dễ dàng và sử dụng đất ổn định, phấn đấu nâng chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh từ 7,16 điểm lên 7,3 điểm trở lên năm 2024, nằm trong nhóm 5 tỉnh có chỉ số “Tiếp cận đất đai” cao nhất. Từ đó, góp phần cải thiện PCI, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh.

Hội nghị đối thoại sở TNMT
Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp do Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tháng 7/2024

Tất cả đều được công khai, minh bạch

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nhằm đạt được mục tiêu trên, Sở đã xây dựng kế hoạch “Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh năm 2024”, cụ thể hóa các nhiệm vụ chỉ tiêu tiếp cận đất đai, quyết liệt triển khai thực hiện; tập trung sâu vào những vấn đề còn hạn chế, còn yếu kém liên quan đến chỉ số tiếp cận đất đai, lựa chọn một số nhiệm vụ, một số khâu có tính đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công khai tất cả các thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất, quy hoạch, bảng giá đất và các điều kiện sử dụng đất một cách rõ ràng và dễ dàng truy cập. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt được tình trạng và các cơ hội liên quan đến đất đai.

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận; chính sách đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Những điểm mới của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 cũng được Sở thông tin rộng rãi tới nhân dân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt. Dữ liệu số hóa về quy hoạch và sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và đường dây nóng phản ánh của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai đều được công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài ra, Sở đã tạo ra ứng dụng (app) truyền thông ngành Tài nguyên và Môi trường để tạo kênh kết nối giữa người dân và doanh nghiệp phản ánh những thông tin có liên quan đến ngành.

images1967605_aa.jpg
Công khai, minh bạch trong tiếp cận đất đai là giải pháp hữu hiệu giúp sử dụng đất có hiệu quả. Hình minh họa: Nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Châu Đức rà soát hồ sơ cấp "sổ đỏ" cho người dân

Cùng với đó, Sở đã mạnh dạn thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết 17 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, rút ngắn 10 ngày so với quy định (giảm 50%); xây dựng phần mềm quản lý, khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh; công bố Bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 trên ứng dụng mạng để phục vụ người dân và doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu thông tin; xây dựng website tra cứu thông tin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp doanh nghiệp, người dân tra cứu nhằm ngăn chặn các trường hợp giả mạo, lừa đảo trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ông Phan Văn Mạnh cho hay, ngoài các giải pháp trên, Sở Tài nguyên và Môi trường còn thường xuyên sắp xếp, bố trí thời gian để làm việc trực tiếp với doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ trong quá trình thực hiện thủ tục về đất đai; tăng cường tổ chức các buổi tiếp xúc doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của tổ chức trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai để đầu tư dự án. Trung bình mỗi quý, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp một lần để lắng nghe ý kiến, báo cáo kết quả hồ sơ vướng mắc đã xử lý và hồ sơ còn tồn đọng, làm rõ nguyên nhân tồn đọng.

Là chủ đầu tư khu công nghiệp đô thị và sân golf Châu Đức, Phó Tổng Giám đốc công ty CP Sonadezi Châu Đức – ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án cũng như công tác thu hút đầu tư và tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp, làm giảm hiệu quả khai thác của khu công nghiệp. Do đó, thời gian tới, Sonadezi Châu Đức rất mong chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để công ty nhanh chóng thực hiện hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án theo kế hoạch, kịp thời đầu tư hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và đảm bảo tiến độ dự án.

“Sonadezi Châu Đức mong rằng, tỉnh sẽ tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục đăng ký đầu tư; rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, môi trường, điều chỉnh quy hoạch; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các thủ tục như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, tách sổ, tách thửa, giao/thuê đất…”, ông Nguyễn Minh Tân cho hay.

Kim Dung - Duy Phường