Liên kết thương hiệu
Khi liên kết thương hiệu, hai doanh nghiệp sẽ kết hợp với nhau nhằm gia tăng sức mạnh để triển khai thành một sản phẩm thứ ba độc đáo hơn.
Thương hiệu Kotex MaxCool vừa công bố màn hợp tác với Liên Quân Mobile, khiến nhiều nữ game thủ Việt Nam phấn khích. Trong chiến dịch này, Kotex cho ra mắt phiên bản giới hạn của dòng sản phẩm Kotex MaxCool với hình ảnh các nhân vật nổi bật trong game Liên Quân Mobile như Krixi, Violet, Điêu Thuyền và Natalya. Ngoài ra, họ dự kiến sẽ tổ chức giải đấu MaxCool cho các game thủ trong tương lai. Đây là một chiến dịch kiểu liên kết thương hiệu được rất nhiều thương hiệu sử dụng.
Đôi bên cùng có lợi
Chiến dịch liên kết thương hiệu sẽ đưa ra thị trường một sản phẩm hoặc dịch vụ mới, có những đặc tính và khả năng của cả hai thương hiệu mẹ.
Hợp tác thương hiệu là một trong những biện pháp rất hiệu quả trong các đợt kích hoạt thương hiệu. Khi được triển khai đúng cách, chiến dịch liên kết thương hiệu sẽ có ích cho cả đôi bên.
Thứ nhất, chiến dịch này giúp cả hai thương hiệu mở rộng phạm vi tiếp cận, nâng cao khả năng nhận biết và tiềm năng bán hàng bằng cách thu hút thêm người tiêu dùng tiềm năng của thương hiệu còn lại.
Thứ hai, nếu các thương hiệu hợp tác được với những bên uy tín, thì họ cũng đồng thời tăng uy tín cho thương hiệu của mình.
Thứ ba, liên kết thương hiệu cho phép mỗi bên nâng cao kỳ vọng về tăng doanh thu, thu hút khách hàng mới, chia sẻ rủi ro và đặc biệt là tăng gấp đôi ngân sách quảng cáo.
Những “cặp đôi” thành công
Với những ưu điểm này, liên kết thương hiệu luôn được ưu ái và cho ra đời rất nhiều chiến dịch nổi tiếng. Gần đây nhất, vào ngày 13/8/2024, ông lớn ngành giải khát Coca Cola đã công bố hợp tác đặc biệt với thương hiệu bánh Oreo, cho ra mắt hai sản phẩm độc đáo là nước ngọt Coca hương Oreo và bánh quy Oreo hương Coca.
Cụ thể, sản phẩm phía Coca có tên Coca-Cola Oreo Zero Sugar Limited Edition, mang hương vị Coca-Cola truyền thống kết hợp với hương vị lấy cảm hứng từ bánh quy Oreo. Chúng được đóng trong những chiếc lon màu đen có in logo Oreo và hình ảnh những chiếc bánh quy xếp chồng lên nhau.
Trong khi đó, sản phẩm của Oreo trong màn liên kết này có tên Oreo Coca-Cola Sandwich Cookie. Bánh gồm hai lớp khác nhau. Một lớp socola đen truyền thống với logo Oreo và siro Coca-Cola. Lớp còn lại là bánh quy vàng nhuộm đỏ có họa tiết logo và những chai Coca-Cola. Đặc biệt, những chiếc bánh này chứa kẹo nổ bên trong, tạo nên cảm giác sủi bọt trong môi mỗi lần cắn, giống như khi uống Coca-Cola.
Ngoài ra, hai thương hiệu còn cho ra mắt dòng sản phẩm “Bestie Mode” tại cửa hàng thời trang Forever21. Dòng sản phẩm này bao gồm nhiều món đồ như tất, túi xách, đồ uống, và sổ tay với thiết kế pha trộn giữa hai thương hiệu.
Nếu Coca-Cola nhận được nhiều chú ý về dự án hợp tác với Oreo, thì Starbucks cũng rất thành công trong lần kết hợp cùng Spotify. Theo đó, Starbucks quyết định bổ sung một thứ trong các quán cà phê của mình. Đó là một chiếc máy phát nhạc khổng lồ chuyên phát nhạc trên Spotify.
Các chuyên gia nhận định đây là một chiến dịch liên kết thương hiệu chuẩn mực. Cả hai đều được hưởng lợi và nhận về sự chú ý, tình cảm của khách hàng, bởi khách hàng được nhiều lợi ích từ các chương trình khuyến mãi chung của cả hai.
Không chỉ các thương hiệu bình dân kết hợp, mà những tay chơi trong thế giới xa xỉ cũng tìm đến nhau. Chẳng hạn, Louis Vuitton từng kết đôi với BMW. Trong chiến dịch này, Louis Vuitton cho ra mắt dòng vali có thể cất gọn trong cốp xe mẫu BMW i8 mới nhất. Một bên là thương hiệu thời trang cao cấp, và một bên là thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới. Khi sự sang trọng giao thoa với sự xa xỉ, thì thị trường của cả hai cũng tăng gấp đôi.
Rủi ro tiềm ẩn
Mặc dù phổ biến và được nhiều bên áp dụng, nhưng giống với tất cả chiến dịch khác, liên kết thương hiệu vẫn tồn tại những điểm yếu và rủi ro.
Trước hết, liên kết thương hiệu đòi hỏi hai thương hiệu phải có nền tảng văn hóa chung. Nếu không, đó có thể là lỗ hổng khiến chiến dịch thất bại. Bên cạnh đó, khi chấp nhận liên kết với nhau, các thương hiệu phải tin tưởng, đồng thời phải tuân thủ chặt chẽ các đề xuất, thỏa thuận đã giao kèo trước đó.
Quan trọng nhất, các thương hiệu cần xem xét phản ứng của người tiêu dùng đối với chiến dịch hợp tác của mình. Hình ảnh thương hiệu có thể bị ảnh hưởng và phân khúc khách hàng có thể bị bối rối nếu hai thương hiệu lệch pha kết hợp với nhau. Chẳng hạn, nếu một thương hiệu cao cấp kết hợp với một thương hiệu đại chúng, chất lượng thấp hơn, thì thương hiệu cao cấp dễ bị mất uy tín và cả “mất lòng” khách hàng. Đây cũng là bài học mà hãng Mao Đài nhận được sau 2 tháng liên kết với chuỗi cà phê bình dân Luckin, khiến họ phải chấm dứt kết hợp trước thời hạn.
Dĩ nhiên, các thương hiệu hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro bằng việc cẩn trọng khi chọn đối tác và chỉn chu khi triển khai chiến dịch. Đó cũng là điều kiện tiên quyết khi triển khai mọi hoạt động tiếp thị, quảng cáo, dù là liên kết thương hiệu hay bất kỳ mô hình nào khác.