Hải Phòng: Cầu truyền hình Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc
Hòa chung không khí sôi nổi, hàng ngàn người dân, du khách và các nhân chứng lịch sử có mặt tại điểm cầu Hải Phòng chứng kiến Lễ kỷ niệm 70 năm Tập kết ra Bắc.
Năm nay, chương trình được diễn ra tại 3 điểm cầu, bao gồm các tỉnh, thành phố là Tượng đài Chuyến tàu Tập kết ra Bắc (Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) và Tượng đài “Con tàu Tập kết ra Bắc” (cảng Lạch Hới, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá) và Nhà hát lớn TP Hải Phòng.
Tối ngày 16/11, tại Quảng trường Nhà hát lớn TP Hải Phòng đã tổ chức Chương trình nghệ thuật Cầu truyền hình trực tiếp kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc tại điểm cầu Hải Phòng với chủ đề “Tình sâu nghĩa nặng”. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử to lớn nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc. Đồng thời, khẳng định truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí quyết tâm thống nhất đất nước với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, khẳng định nhân dân hai miền Nam - Bắc luôn đoàn kết một lòng vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, dũng cảm trong xây dựng và chiến đấu ở mọi thời kỳ cách mạng của dân tộc.
Tại điểm cầu Hải Phòng, vinh dự có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng hàng nghìn khán giả, du khách trong và ngoài thành phố.
Cách đây 70 năm, sau khi Hiệp định Genève được ký kết (năm 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định đưa một lượng không nhỏ con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, vừa góp phần chuẩn bị, ổn định cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam sau này.
Trong đó, Nhà hát lớn TP Hải Phòng là nơi lưu dấu những kỷ niệm không thể nhạt phai trong ký ức bao thế hệ học sinh miền Nam từng học tập và sinh sống. Đến năm 1955, trên toàn miền Bắc có khoảng 32.000 học sinh, riêng Hải Phòng có 15.000 học sinh học tập tại gần 20 ngôi trường. Thành phố Cảng thật sự là nơi “ân nặng tình sâu”, một thời đùm bọc, sẻ chia, trở thành quê hương yêu dấu thứ hai của nhiều thế hệ học sinh. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, biết bao thế hệ cán bộ, lãnh đạo đã trưởng thành và cống hiến xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Đây được đánh giá là quyết định mang ý nghĩa lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong việc thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của mọi người dân Việt Nam, khẳng định tình đoàn kết Nam – Bắc một nhà, dân tộc Việt Nam là một.
Cầu truyền hình với 3 chương nội dung gồm “Khát vọng thống nhất”, “Một dải sắt son” và “Rạng danh Việt Nam”. Đặc biệt, những màn trình diễn nghệ thuật mãn nhãn đan xen các câu chuyện, phóng sự ngắn đưa người xem gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử đã góp phần kết nối sợ dây tinh thần, tạo nhiều cảm xúc mãnh liệt cho các vị đại biểu và hàng nghìn khán giả có mặt tại điểm cầu Hải Phòng nói riêng và 2 điểm cầu Cà Mau, Thanh Hóa nói chung.
Mỗi điểm cầu, chương trình mang một màu sắc khác nhau. Riêng tại điểm cầu Hải Phòng, tổng thể sân khấu điểm gợi lên ký ức những con tàu chở niềm tin và khát vọng của đồng bào miền Nam gửi gắm nghĩa tình đến đồng bào miền Bắc và sự đùm bọc chở che của đồng bào Miền Bắc, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và ý chí quyết tâm thống nhất đất nước, giành lại độc lập tự do.
Ông Trịnh Văn Hạnh (người dân quận Lê Chân, TP Hải Phòng) tự hào chia sẻ: “Tôi là một người dân Hải Phòng đã chứng kiến học sinh miền Nam ra Bắc học trường riêng, nhận chế độ, đãi ngộ riêng của Hải Phòng lúc bấy giờ, nên hôm nay khi được ngồi ở đây xem trực tiếp chương trình khiến tôi cảm thấy rất bồi hồi, xúc động. Đặc biệt, tôi được quen cô giáo Đàm Thơ cùng những người học sinh miền Nam khác từng ra Bắc học, được nghe họ kể những câu chuyện từ ngày xuất phát từ Cà Mau ra Hải Phòng học tập đầy khó khăn. Theo tôi, là dịp để tôi, cùng với những người học sinh miền Nam năm ấy hồi tưởng lại một giai đoạn lịch sử hào hùng, cũng đầy vất vả mà thắm đượm đoàn kết dân tộc”.
“Với 3 cầu truyền hình năm nay, tôi đánh giá như vậy là hợp lý, đó là xuất phát điểm Cà Mau đến Thanh Hóa, để rồi từ đây chia ra khắp các ngả, trong đó Hải Phòng thân yêu, góp phần tái hiện một cách sống động, chân thực mà ý nghĩa nhất”, ông Hạnh cho biết thêm.
Chương trình Cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc "Tình sâu nghĩa nặng" khép lại là một lời tri ân của thế hệ sau dành cho thế hệ đi trước, cũng là một hành trình dài nhìn lại dấu mốc lịch sử chói lọi, hào hùng của dân tộc ta. Đồng thời, cũng là lời nhắc nhở đến mỗi cá nhân thêm nỗ lực hơn nữa để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.