Bà Rịa – Vũng Tàu: Minh bạch thông tin để thu hút đầu tư
Năm 2023, điểm số PCI “Tính minh bạch” của Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) đạt 6,94 điểm, tăng 1,01điểm, xếp thứ 4, tăng 34 bậc, là mức điểm cao nhất trong giai đoạn gần đây.
Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Chỉ số “Tính minh bạch” tỉnh BR-VT thể hiện sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch nhất để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã nhận thấy rõ điều này và đã có những đánh giá khách quan nhất về tính minh bạch trong môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Minh bạch thông tin - Sợi dây kết nối chính quyền và doanh nghiệp
Tính minh bạch là 1 trong 10 chỉ số thành phần đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI. Chỉ số này đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Minh bạch thông tin để bảo vệ quyền, lợi ích nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh và khó lường, minh bạch thông tin trở thành chìa khóa giúp chính quyền tỉnh khẳng định uy tín với doanh nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh trước các tỉnh, thành phố.
Ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh BR-VT cho biết, bằng những mục tiêu và giải pháp cụ thể, đồng bộ, với tinh thần “Bản lĩnh đột phá - Củng cố niềm tin - Nâng tầm cao mới”, BR-VT sẵn sàng đẩy mạnh cải cách ở mức cao hơn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, và nằm Top các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc của cả nước.
Việc dẫn đầu cả nước trong “hút” vốn FDI từ đầu năm cho thấy các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối… đã giúp tỉnh BR-VT tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư quốc tế.
"Chính quyền càng minh bạch, duy trì niềm tin nhà đầu tư. Việc minh bạch thông tin đã trở thành chìa khóa quan trọng giúp tỉnh BR-VT thu hút nhà đầu tư trong nước mà còn tạo được niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài.
BR-VT tiếp tục đồng bộ hóa việc ứng dụng CNTT, số hóa các hoạt động của cơ quan quản lý để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả thực thi chính sách, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí cho doanh nghiệp… tiếp tục dỡ bỏ những rào cản đầu tư và thương mại hiện tại song song với cải thiện đầu tư kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện nay, minh bạch là yếu tố chủ chốt để nhà đầu tư có thể nắm rõ hơn quy định, quy trình cần tuân thủ. Môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam.
Đối với vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, thời gian qua, ngoài mục tiêu chung giữ ổn định nhất quán các cơ chế, chính sách về đầu tư đã ban hành, BR-VT nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bằng cách công khai các quy hoạch, đưa vào hoạt động hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; triển khai đăng ký qua mạng, rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan; tăng tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử...
Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Trong đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục cải cách hành chính, công khai, minh bạch và đổi mới công nghệ quản lý trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Chú trọng rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục rườm rà, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, TTHC với doanh nghiệp, người dân. Công khai địa chỉ đường dây nóng, hộp thư điện tử để tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử đến các địa phương; khắc phục những hạn chế, hình thức tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, doanh nghiệp phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại… từ đó, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả trong giải quyết các vấn đề, tạo thêm “xung lực” trong thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Chuyển đổi số để thu hút đầu tư
Ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, trong thời kỳ công nghệ lên ngôi, mọi hoạt động đều được số hoá mạnh mẽ, giải pháp quan trọng bậc nhất hiện nay để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo lực đẩy để thu hút nhà đầu tư chính là: Đẩy mạnh áp dụng CNTT trong giải quyết TTHC; Nâng cao tỷ lệ áp dụng CNTT cấp độ 4 trong việc cấp đăng ký doanh nghiệp và rút ngắn hơn nữa thời gian giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Muốn minh bạch trong môi trường đầu tư thì phải đẩy nhanh chuyển đổi số (CĐS). Khi CĐS đã tốt thì minh bạch, năng suất sẽ cao. Doanh nghiệp có lợi mà tỉnh cũng phát triển.
Đến nay, kết quả triển khai công tác CĐS tỉnh BR-VT đã có 32/37 chỉ tiêu đã hoàn thành (đạt 86,4%) (tăng 07 chỉ tiêu so với kỳ báo cáo trước).
Về phát triển chính quyền số: Đã hoàn thành 13/15 chỉ tiêu. Một số tỷ lệ đạt 100% như: Tỷ lệ TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trự truyến (DVCTT) toàn trình; Duy trì tỷ lệ DVCTT toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG; Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; Tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC theo quy định được số hóa; Tỷ lệ phản ánh, kiến nghị của người dân tiếp nhận trên hệ thống phản ánh hiện trường được xử lý đúng tiến độ, kịp thời.
Tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC tỉnh/Cổng DVCQG đạt 85,14%; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC tỉnh/Cổng DVC quốc gia trên tổng số hồ sơ thanh toán: Đạt 72,73%/85% chỉ tiêu giao; Tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa, không phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước: đạt 58,66%/ 60% chỉ tiêu giao;
Phát triển kinh tế số: Đã hoàn thành 05/07 chỉ tiêu. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có website với tên miền .vn đạt 51,8%; Tỷ lệ sản phẩm có giấy chứng nhận OCOP của tỉnh đủ điều kiện được đưa lên sàn thương mại điện tử đạt 100%; Tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử (có gian hàng) đạt 85%; Tỷ lệ doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải đạt 68%; Tỷ lệ DNNVV thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số: 56,45%; Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP: Đạt 13,37%/ 16% chỉ tiêu giao; Tỷ lệ DNNVV được tiếp cận dùng thử các nền tảng CĐS đạt 93%/ 95%;
Về phát triển xã hội số: Đã hoàn thành 14/15 chỉ tiêu. Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân: Đạt 19,27%/20% chỉ tiêu giao.
Thời gian qua, tỉnh đã ban hành, triển khai Kế hoạch thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; đã thúc đẩy, hỗ trợ hình thành 02 doanh nghiệp công nghệ số trong 109 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2024.
Phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia tổ chức Hội nghị tập huấn về CĐS cho các Sở TT&TT khu vực phía Nam vào ngày 27/9/2024. Hội nghị trực tiếp và trực tuyến về bồi dưỡng, tập huấn cập nhật, hướng dẫn sử dụng cho 503 Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 3.000 thành viên trên địa bàn tỉnh. Sở TT&TT đã hoàn thành tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý trong công tác CĐS, đô thị thông minh tại Úc; các lớp bồi dưỡng về ứng dụng CNTT, an toàn thông tin cho CBCCVC và các lớp trực tuyến qua nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông với 2.020 người.
Ngày 07 và 08/10/2024, phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) - Cục An toàn thông tin, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT; thành viên Đội ứng cứu sự cố của tỉnh; Tổ chuyên trách An toàn thông tin tỉnh BR-VT tổ chức diễn tập thực chiến an toàn thông tin, ứng cứu sự cố tỉnh năm 2024 với Hệ thống mục tiêu là phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành.
UBND cấp huyện, cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng đã tổ chức nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (ngày 10/10) như hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến; cài đặt VNeID, chữ ký số, thanh toán trực tuyến; hướng dẫn các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất tạo mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt...
Đã triển khai thí điểm ngày không tiếp nhận hồ sơ TTHC bản giấy tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Đã đưa vào vận hành Mini app Zalo để thúc đẩy CĐS, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 25/4/2024 đến ngày 10/10/2024, đã có khoảng 98.453 người dùng mini app BR-VT Smart, tạo ra gần 115.239 lượt truy cập.
2 tháng cuối năm 2024, sẽ đưa vào vận hành chuyên trang thông tin điện tử tham vấn, hiến kế của các chuyên gia cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; App DVC trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, ông Chiến cho biết.
Đặc biệt, lấy cải cách hành chính làm khâu đột phá, BR-VT sẽ tạo sự minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, người dân và giảm thiểu các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức, tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng hấp dẫn, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.