Bà Rịa – Vũng Tàu: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Quy hoạch, phát triển các KCN được coi là “thỏi nam châm” để hút các dòng vốn đầu tư, tạo cú huých trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đó là chia sẻ của ông Lê Viết Phúc, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với Diễn đàn doanh nghiệp. Theo ông Phúc, môi trường đầu tư minh bạch cùng những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí, nguồn nhân lực… là những yếu tố mang tính bứt phá để công tác thu hút đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua.
Sức hút đầu tư qua dòng vốn FDI
Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Điều này được minh chứng thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong vòng 3 năm trở lại đây, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn nằm trong Top 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.
Ông Lê Viết Phúc cho rằng, sức hút đầu tư của Bà Rịa - Vũng Tàu còn được thể hiện qua những con số về dòng vốn FDI đang dịch chuyển dần mà Bà Rịa - Vũng Tàu đang là điểm đến của “làn sóng” dịch chuyển đầu tư này.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 5 KCN trên tổng số 14 KCN đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đã hoạt động có tỉ lệ lấp đầy đạt 100%. Những KCN có tỉ lệ lấp đầy này bao gồm: KCN Phú Mỹ I (695ha), KCN Mỹ Xuân A (228,06ha), KCN Mỹ Xuân A2 (267,74ha) và KCN Mỹ Xuân B1-Conac (157,71 ha), KCN Đông Xuyên (130,89ha). Một số KCN khác cũng có tỉ lệ lấp đầy khá cao, như KCN Đá Bạc (94,84%); KCN Mỹ Xuân B1-Tiến Hùng ( 80%), KCN Cái Mép (76,31%)…
Đáng chú ý, theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 24 KCN, với diện tích hơn 16.000ha. Các KCN được xem là “cứ địa” của ngành công nghiệp, tạo ra không gian phát triển quan trọng cho trụ cột kinh tế của tỉnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN trong phương án phát triển hệ thống KCN sẽ đáp ứng nhu cầu về quỹ đất sạch của các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định vai trò là trung tâm vùng, là một trong những cực tăng trưởng quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, đã có 41 dự án đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, có 32 dự án FDI số vốn đăng ký 1,674 tỷ USD và 9 dự án DDI với số vốn đăng ký 16.483 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trong các KCN của tỉnh có 606 dự án đầu tư còn hiệu lực, đầu tư trong nước là 291 dự án; nước ngoài là 315 dự án.
Theo Ban quản lý các KCN, dù có tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng chủ trương xuyên suốt của tỉnh là không quá nôn nóng để tăng tỉ lệ lấp đầy các KCN, mà chú trọng thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị cao, đồng thời bảo vệ môi trường để kiên định mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Nhiều ưu đãi lớn
Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Viết Phúc, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các nhà đầu tư vào tỉnh sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để yên tâm “rót vốn”, lạc nghiệp. Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đối với Ban quản lý các KCN, Ban luôn thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, pháp luật Nhà nước về đầu tư trong các KCN, đồng thời luôn cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư ngay từ khi nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiều đầu tư và triển khai dự án đầu tư.
Cùng với đó, Ban tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương đảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các KCN tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch, định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư doanh nghiệp trong đó tập trung đẩy mạnh tiến độ bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, nhà đầu tư khi đầu tư vào KCN sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban quản lý, công tác môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiếp cận vốn, tiếp cận nguồn nhân lực lao động…
Là chủ đầu tư KCN Mỹ Xuân B1 - Conac, bà Lâm Thị Phương Trang, Giám đốc đầu tư công ty CP đầu tư xây dựng dầu khí IDICO (IDICO - CONAC) đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh của Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm qua đã được cải thiện tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với Ban quản lý các KCN, các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư luôn được Ban quan tâm, đẩy mạnh, phấn đấu thu hút các dự án chiến lược, quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Ban luôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các KCN, cùng với các cấp chính quyền tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; rà soát danh mục thủ tục hành chính đề xuất thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý, cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp.
KCN Mỹ Xuân B1-CONAC là KCN được phép thu hút đa dạng các ngành nghề theo Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Giấy phép môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Tuy nhiên, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh và hướng đến KCN xanh, những năm gần đây, IDICO-CONAC chỉ thu hút các dự án thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao như các ngành linh kiện điện tử, chế tạo hàng cơ khí chính xác, sản xuất gậy golf,...
“Tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo nữa, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục thành công trong việc thu hút dòng vốn ngoại, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai”, bà Lâm Thị Phương Trang chia sẻ.