Bảng giá đất mới gây khó cho bồi thường tái định cư
Trong bối cảnh nhiều địa phương đang áp dụng bảng giá đất mới nhưng vẫn tồn tại những bất cập trong chính sách bồi thường tái định cư,
việc tìm ra giải pháp đồng bộ và công bằng trở nên cấp thiết.
Mới đây, TP HCM vừa ban hành bảng giá đất mới tạm thời áp dụng từ ngày 31/10/2024 đến ngày 31/12/2025. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn đang áp dụng bảng giá đất cũ. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về sự bất cập trong công tác bồi thường tái định cư.
Tồn tại nhiều bất cập
Theo đó, bảng giá đất mới tạm thời của TP HCM vẫn chưa phản ánh đúng giá trị thị trường. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đánh giá mức giá này chỉ bằng khoảng 50% giá thị trường. Điều này dẫn đến giá đất bồi thường không sát với giá trị thực tế, gây thiệt thòi cho người dân và nguy cơ thất thoát ngân sách.
Quy định về bồi thường tái định cư cũng không thống nhất giữa các quận nội thành và huyện ngoại thành. Tại Hà Nội, theo Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND, người dân ở các quận nội thành chỉ được bồi thường bằng căn hộ chung cư tái định cư, trong khi người dân ở các huyện ngoại thành được bồi thường bằng đất ở tái định cư.
Sự khác biệt này dẫn đến bất bình đẳng giữa các nhóm người bị thu hồi đất. Thời điểm thu hồi đất cũng ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân. Những người bị thu hồi đất trước khi bảng giá đất mới được ban hành sẽ nhận được mức bồi thường thấp hơn so với những người bị thu hồi sau đó, tạo ra sự chênh lệch và không công bằng, gây ra khiếu nại và tranh chấp. Sự lựa chọn nhận đất ở tái định cư của người dân, do giá đất trong bảng giá thấp, tạo áp lực lớn lên quỹ đất tái định cư của địa phương. Đặc biệt tại các thành phố lớn với quỹ đất hạn chế, việc đáp ứng nhu cầu này trở nên khó khăn.
Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam nhận định, với địa phương hạn chế quỹ đất tái định cư sẽ rất dễ xảy ra khiếu nại, vì địa phương vẫn còn quỹ đất tái định cư cho người thuộc diện thu hồi đất ở, nhưng lại không đủ đất tái định cư cho người có đất thu hồi là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp. Điều này phản ánh rõ ràng sự bất cập và bất bình đẳng trong chính sách hiện tại.
Nhanh chóng cần giải pháp
Trước những bất cập trên, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải tìm ra giải pháp khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự phát triển bền vững của xã hội.
Theo ông Cường, các địa phương cần áp dụng phương pháp định giá đất dựa trên giá giao dịch thực tế, thường xuyên cập nhật để phản ánh đúng biến động thị trường. Việc này giúp giá đất bồi thường sát với giá trị thực tế, đảm bảo quyền lợi cho người dân và tránh thất thoát ngân sách. Việc sử dụng công nghệ thông tin và dữ liệu lớn để thu thập, phân tích thông tin thị trường bất động sản cũng hỗ trợ việc định giá đất chính xác hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị cần sớm ban hành các quy định chi tiết, thống nhất về bồi thường tái định cư, áp dụng cho tất cả các địa phương, loại bỏ sự chênh lệch và bất bình đẳng giữa các vùng miền. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan cần hướng dẫn chi tiết và giám sát việc thực thi chính sách tại các địa phương, đảm bảo tuân thủ quy định chung và xử lý kịp thời các vướng mắc.
Các địa phương cần lập kế hoạch sử dụng đất dài hạn, đảm bảo đủ quỹ đất tái định cư để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt ở các khu vực có quỹ đất hạn chế. Việc đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư với chất lượng tốt, tiện ích đầy đủ cũng giúp người dân sẵn lòng chuyển đến, giảm áp lực lên quỹ đất ở.
Chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin thông qua các buổi đối thoại nhằm lắng nghe, giải đáp thắc mắc và tạo sự đồng thuận với người dân trong quá trình thu hồi đất và tái định cư. Đối với người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm mới để họ ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế gia đình và xã hội.
Trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi Luật Đất đai 2024 được áp dụng đầy đủ, ông Ngô Gia Cường đề xuất rằng các bộ, ngành và địa phương cần kiến nghị Quốc hội ban hành quy định chuyển tiếp phù hợp để giải quyết triệt để bất cập này, đảm bảo đồng bộ trong cùng một chính sách quản lý, thuận lợi cho các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng.