Giải phóng “điểm nghẽn” thể chế: Cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Để có thể khơi thông, giải phóng những “điểm nghẽn” về thể chế, không ít ý kiến cho rằng, phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả bộ máy Nhà nước, hệ thống chính trị…
Vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư - Tô Lâm khẳng định: thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” và là khâu cần phải đột phá đầu tiên…
Thực tế, Báo cáo PCI 2023 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có thể dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương có xu hướng giảm dần. Năm 2013, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được khoảng 14,29%, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ này chưa đến 5%.
Bên cạnh đó, chỉ hơn 6% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện các quy định pháp luật trung ương tại các địa phương. Có 61% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép kinh doanh có điều kiện, 61% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động cấp phép kinh doanh có điều kiện, 22% doanh nghiệp trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do phiền hà trong việc tiếp cận cấp giấy phép kinh doanh.
Vậy làm sao để có thể khơi thông, giải phóng được những “điểm nghẽn” này?
Theo PGS, TS Lê Minh Thông - nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, vấn đề then chốt nhất để đất nước bước vào kỷ nguyên mới chính là cải cách thể chế để tạo ra hệ thống thể chế mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển.
“Ta phải đổi mới tư duy, nâng cao quyết tâm chính trị để tháo gỡ một cách căn bản những điểm nghẽn, nút thắt cho hệ thống thể chế mà hiện đang cản trở sự phát triển. Muốn làm được phải có sự nỗ lực, quyết tâm của cả bộ máy “nhà nước, hệ thống chính trị”, ông Thông chia sẻ.
Đồng thời phân tích, “nhân vật” làm nên thể chế chính là hệ thống chính trị. Do đó, đột phá thể chế, trước hết là đột phá vào nơi mà nó sản sinh ra thể chế, đó chính là hệ thống chính trị. Đổi mới hệ thống chính trị chính là khâu đột phá tạo ra động lực phát triển.
“Đổi mới tổ chức hệ thống chính trị, tinh gọn bộ máy cần phải được xem là cuộc cách mạng thực sự và phải rất quyết liệt để làm, mới có thể thành công”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng thời kiến nghị, với Nhà nước phải tư duy lại để chuyển từ “tư duy có quyền” sang “tư duy phục vụ”. Nhà nước phải đổi mới tư duy, và chỉ làm những việc xã hội không làm được, nền kinh tế không làm được, doanh nghiệp không làm được, chứ không thể ôm đồm, sẽ nhiều việc và không làm đến nơi, đến chốn.
Cùng với đó, Nhà nước cũng phải tinh gọn chính mình trên nguyên tắc phổ quát là quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Không chỉ bộ máy Chính phủ mà còn bộ máy chính quyền các cấp, tất cả đều trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực để thu gọn bộ máy lại.
Tương tự, ở Quốc hội, ngoài tổ chức lại bộ máy theo nguyên tắc trên, vị chuyên gia cũng cho rằng, cần phải đổi mới tư duy lập pháp để chỉ làm luật trong phạm vi được Hiến pháp quy định, tôn trọng quyền lập quy của Chính phủ. Còn địa phương cần được phân cấp, phân quyền thật mạnh theo nguyên tắc: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; đồng thời phân cấp, phân quyền dựa trên điều kiện cụ thể, chứ không tràn lan, bình quân…
Còn theo ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Bí thư - Tô Lâm đã khẳng định thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Vậy thể chế vướng mắc như thế do ai? Do chúng ta. Vậy chúng ta là ai, chúng ta là những người làm nên thể chế đấy, đã đặt ra thể chế đấy. Cho nên, nói cải cách thể chế bắt đầu từ tư duy tức là từ con người.
Cuối cùng, vẫn là tư duy, nhận thức của tổ chức, bộ máy và cách làm của con người. Thể chế sai không thể tự nó sửa nó được, phải là con người. Vì thể chế do con người tạo ra, vấn đề là cần tìm ra những con người xứng đáng để xây dựng thể chế cho một Kỷ nguyên mới.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện nay là cơ hội lớn để cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp tham gia vào đổi mới thể chế ở nước ta để phá vỡ “điểm nghẽn”. Nếu không thoát khỏi điểm nghẽn này, Việt Nam không vươn mình được, nền kinh tế không thể vươn lên được.
“Tôi mong muốn các cơ quan sẽ sớm có những hành động cụ thể, để khẳng định của Tổng Bí thư sẽ nhanh chóng được lan toả và thực hiện ở tất cả các cấp khác nhau, từ những cấp có trách nhiệm cao nhất đối với vận mệnh chung của đất nước đến các tầng lớp xã hội của người dân”, bà Phạm Chi Lan bày tỏ.
Theo vị chuyên gia này, ngoài chuyện đất đai, doanh nghiệp còn đang đối diện với 16.000 giấy phép con. Đây chính là nút thắt, “điểm nghẽn” lớn trong môi trường kinh doanh hiện nay.
“Trước đây, khi làm Luật Doanh nghiệp 1999, Chính phủ thời đó đã giảm xuống chưa tới 200 giấy phép con, tuy nhiên, từ đó đến nay số giấy phép đã lên thành 16.000”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, được nêu từ ba kì Đại hội XI, XII, XIII. Tổng Bí thư đã chọn đúng điểm cần đột phá chiến lược nhất là thể chế. Rất hy vọng và mong có hành động nhanh chóng để tạo niềm tin, tạo niềm hưng phấn cho xã hội.