Kinh tế

Thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững

Yến Nhung 18/11/2024 04:00

Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều yếu kém, thách thức, cần thực hiện một số giải pháp để khu vực này thực sự trở thành nền tảng của kinh tế Việt Nam.

Theo đó, tại Việt Nam, kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vai trò và là động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, khoảng 30% ngân sách Nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước. Đáng nói, kinh tế tư nhân cũng chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

1742_kinh-te-tu-nhan (1)
Tại Việt Nam, kinh tế tư nhân đã từng bước khẳng định vai trò và là động lực quan trọng của nền kinh tế - Ảnh: ITN

Những chủ trương và chính sách kịp thời, đúng đắn trong thời gian qua đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân và khẳng định mạnh mẽ vị trí và vai trò trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thành tựu Việt Nam đạt được là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đúng đắn và phù hợp khi lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế, từ đó đưa Việt Nam tiếp tục hội nhập và phát triển.

Mặt dù vậy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều yếu kém, thách thức trong quá trình phát triển, cần thực hiện một số giải pháp để khu vực này thực sự trở thành nền tảng của kinh tế Việt Nam.

Để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”, ThS Nguyễn Trường An, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng hiện đại và hội nhập, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, cần mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng. Có chính sách ưu tiên thu hút đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao từ nước ngoài, gắn với yêu cầu chuyển giao và lan tỏa rộng rãi công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Ngoài ra, cần đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề. Đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cơ cấu lại và phát triển nhanh, an toàn, hiệu quả các thị trường tài chính, nhất là thị trường tiền tệ và thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng và nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.

“Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Chủ động duy trì và phát triển theo hướng đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh”, ThS Nguyễn Trường An bày tỏ.

adb.... (1)
Trước thực tế còn nhiều yếu kém, thách thức, cần thực hiện một số giải pháp để khu vực này thực sự trở thành nền tảng của kinh tế Việt Nam - Ảnh: ITN

Xoay quanh vấn đề này, ở góc độ quốc tế, không ít ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân cũng cần phải chú trọng phát triển bền vững thông qua việc tuân thủ các báo cáo theo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo TS Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, khối doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển của nền kinh tế, đóng góp phần lớn vào ngân sách quốc gia ở cả các nước phát triển và mới nổi. Do đó, đảm bảo sự phát triển bền vững của khối tư nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiều quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, các yếu tố tài chính và kinh tế đóng vai trò rất quan trọng.

“Cần tận dụng hiệu quả các công cụ tài chính và chính sách kinh tế là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của khu vực tư nhân”, TS Lê Thị Thùy Vân nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Aucky Pratama, Giám đốc Quan hệ công chúng Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết, trong bối cảnh có nhiều tác nhân lớn làm thay đổi ngành kế toán như rủi ro về địa chính trị ngày càng gia tăng, rủi ro về các quy định pháp lý, góc nhìn khác nhau… thì các doanh nghiệp cần quan tâm tới báo cáo phát triển bền vững.

“Báo cáo phát triển bền vững không chỉ là vấn đề nóng, quan trọng hiện nay khi mà Chính phủ các nước đã cam kết mạnh mẽ giảm phát thải ròng bằng 0 tại COP. Đặc biệt, trong trung và dài hạn, việc doanh nghiệp phát hành báo cáo phát triển bền vững sẽ giúp nâng cao hình ảnh trong cộng đồng”, chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Aucky Pratama, để gia nhập thị trường tài chính bền vững, các công ty bắt buộc phải cung cấp thông tin có tính bền vững trong các báo cáo phát triển. Các thông tin đó bao gồm chống biến đối khí hậu, hoạt động kinh doanh với môi trường, biện pháp thực hiện giảm lượng phát thải CO2…

“Báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp mang lại nhiều yếu tố tích cực, trong đó giúp giá trị thị trường tài chính của doanh nghiệp thêm bền vững và đạt được giá trị rất cao”, ông Aucky Pratama nhấn mạnh.

Yến Nhung