Nâng tầm hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
Việc VCCI tăng cường hợp tác với tỉnh Cát Lâm được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên trong thời gian tới.
Chiều 18/11, tại trụ sở Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng đã có buổi tiếp đón và làm việc với đoàn doanh nghiệp tỉnh Cát Lâm do bà Dương An Đệ, Phó Chủ tịch tỉnh Cát Lâm dẫn đầu.
Phó Chủ tịch VCCI nhận định, hiện nay, nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên chia sẻ nhiều lợi ích, đồng thời có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của hai bên.
Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, tăng cường hơn nữa giao lưu thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các địa phương của Trung Quốc, trong đó có tỉnh Cát Lâm, một tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ về lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm và một số ngành công nghiệp khác.
Để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Phó Chủ tịch VCCI đề nghị, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và chia sẻ thông tin nhằm tạo ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Cát Lâm.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp tại tỉnh Cát Lâm tích cực tham gia vào thị trường Việt Nam, triển khai các dự án đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực Việt Nam đang rất quan tâm như: tài chính, đầu tư, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng, phát triển xanh...., cũng như tăng cường nhập khẩu hàng hoá có thể mạnh của Việt Nam.
Trước đó, VCCI và CCPIT tỉnh Cát Lâm cùng Sở Thương mại tỉnh Cát Lâm đã ký Thỏa thuận hợp tác trước đây, nhưng Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các hoạt động hợp tác giữa hai bên còn hạn chế. Chính vì vậy, hai bên cần tăng cường thường xuyên hỗ trợ, trao đổi thông tin nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa VCCI và tỉnh Cát Lâm, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hai bên cùng hợp tác, phát triển.
"VCCI cam kết thực hiện vai trò là cầu nối, sợi dây liên kết có hiệu quả giữa các Hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc trong giai đoạn tới, nâng cao hơn nữa sự kết nối chặt chẽ của hai nước", Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.
Lắng nghe những đề xuất từ phía Phó Chủ tịch VCCI, bà Dương An Đệ – Phó Chủ tịch tỉnh Cát Lâm nhận định, những năm gần đây, tỉnh Cát Lâm rất coi trọng giao lưu kinh tế, thương mại với các nước ASEAN; trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam ngày càng chặt chẽ.
Đặc biệt, bà Dương cho biết, các lĩnh vực Phó Chủ tịch VCCI đề xuất ưu tiên đầu tư cũng là những thế mạnh của các doanh nghiệp tỉnh Cát Lâm. Cụ thể, Cát Lâm có thế mạnh về các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô, hóa dầu, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, trong đó ngành công nghiệp ô tô có sản lượng 1,55 triệu xe trong năm 2023, xếp 8/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc.
Cát Lâm cũng là tỉnh lớn về sản xuất lương thực, chiếm 4% đất canh tác và sản xuất 10% tổng sản phẩm lương thực của Trung Quốc, với các loại nông sản chính như ngô, đậu tương, gạo... Các doanh nghiệp lớn của Cát Lâm đều có kinh nghiệm và thế mạnh trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp xanh, sạch.
Những năm gần đây, tỉnh Cát Lâm chú trọng triển khai hợp tác thương mại với Việt Nam; doanh nghiệp và doanh nhân tỉnh Cát Lâm không ngừng mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, bà Dương cho rằng, thông qua chuyến thăm và làm việc tại VCCI, quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Cát Lâm sẽ ngày càng sâu sắc, từ đó nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam và tỉnh Cát Lâm.
Phó Chủ tịch tỉnh Cát Lâm cũng đề nghị trong thời tới, VCCI tăng cường phối hợp với các hiệp hội thương mại, hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh để xây dựng các chương trình giao lưu trao đổi thông tin lẫn nhau, cũng như tổ chức các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, mở rộng đầu tư song phương. Bà Dương cho biết, tỉnh Cát Lâm luôn chào đón và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư tại tỉnh với một môi trường tốt nhất.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và ổn định. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Ngược lại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động và linh kiện, máy mọc thiết bị, dụng cụ phù tùng, hàng nông sản…