Phân tích - Bình luận

Nguy cơ bế tắc tài chính khí hậu ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam?

Trương Khắc Trà 19/11/2024 04:07

Nguy cơ bất ổn tài chính khí hậu có thể tạo ra áp lực rất lớn đến khả năng hòa nhập của hàng chục quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

COP 29 đã bế tắc hoàn toàn về tài chính khí hậu cho giai đoạn sau 2025 (Ảnh euronews)
COP29 đã bế tắc hoàn toàn về tài chính khí hậu cho giai đoạn sau 2025 (Ảnh euronews)

Tuần đầu tiên của Hội nghị lần thứ 29, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào về nhiệm vụ cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việt Nam nằm trong số đông các quốc gia đề xuất mức ít nhất là 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho tới năm 2035 nhằm mục tiêu kế hoạch thích ứng quốc gia và hợp phần thích ứng biến đổi khí hậu.

Các khoản vốn này sẽ không bao gồm các khoản vay không ưu đãi, các khoản vay theo lãi suất thị trường với các điều khoản ưu đãi khác như thời gian hoàn vốn và ân hạn, tín dụng xuất khẩu và đầu tư.

Một nhóm quốc đảo đề nghị mức 39 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, trong khi các nước kém phát triển cần 220 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho việc ứng phó biến đổi khí hậu. Những tất cả các ý tưởng trên khó hành hiện thực tại COP29.

Tài liệu thuyết trình tại COP29 dài 25 trang được cắt từ phiên bản 34 trang trước đó - vẫn duy trì khoảng cách lớn giữa các số tiền tài trợ được đề xuất, dao động từ mức sàn khiêm tốn 100 tỷ đô la Mỹ đến mức tham vọng 2 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm.

Dĩ nhiên, việc thiếu vốn sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn “nhạy cảm” hiện nay. Điều này có nguy cơ dẫn đến tình trạng tụt hậu, không đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Nhiều dự án, chương trình chống biến đổi khi hậu không được triển khai, ví dụ các dự án chống xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến năng suất ngành nông nghiệp - trụ đỡ quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam.

Tài chính cho khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu tạo thêm gánh nặng ngân sách, làm giảm khả năng đầu tư công, chi phí an sinh xã hội. Đó là một tròn luẩn quẩn không tìm thấy lối thoát.

Nhưng bài toán nan giải hơn là làm sao để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, ESG,… đối với một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như nước ta? Một khi hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đúng tiêu chuẩn do các nước tiên tiến đặt ra - không thể xuất khẩu.

Đơn cử, để có nguồn năng lượng sạch, ổn định cho các trung tâm dữ liệu, cần hàng tỷ đô la Mỹ để khởi động dự án nhà điện hạt nhân, bên cạnh đó cần có nguồn lực để đào tạo con người, xây dựng hạ tầng vận hành.

Trong một bức thư ngỏ được đồng ký bởi những nhân vật nổi tiếng bao gồm cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và cựu Thư ký điều hành UNFCCC Christiana Figueres, nói rằng: “Lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng, các bể chứa carbon đang bị suy thoái và chúng ta không thể loại trừ khả năng nhiệt độ tăng thêm vượt quá 2,9°C vào năm 2100”.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trầm trọng đến các nước đang phát triển (Ảnh panna)
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trầm trọng đến các nước đang phát triển (Ảnh panna)

Hơn nữa, khi các nền kinh tế tiên tiến hơn đưa ra các chiến lược để giảm lượng khí thải carbon và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, điều này sẽ gây áp lực bất công bằng lên năng lực thương mại của các nước đang phát triển.

Đó là các vấn đề rất cấp bách: vai trò của công nghệ sạch hơn, tài chính khí hậu và các cơ chế thích ứng khác để giúp các nước đang phát triển đạt được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, cải thiện an ninh lương thực thông qua nhập khẩu và điều hướng chính sách thông qua các hệ thống thương mại phức tạp.

Ngân hàng Thế giới (WB) báo cáo rằng chỉ 1/10 lượng khí nhà kính trên thế giới được thải ra từ 74 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nhưng họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu.

Cuộc khủng hoảng khí hậu này thực sự bất công, khi người nghèo bị ảnh hưởng không cân xứng. Các quốc gia có ít tài nguyên nhất có khả năng phải gánh chịu gánh nặng lớn nhất về mặt mất mát sinh mạng và tác động tương đối đến đầu tư và nền kinh tế.

Đến năm 2050, biến đổi khí hậu không được kiểm soát có thể buộc hơn 200 triệu người trên thế giới phải di cư, đẩy 130 triệu người vào cảnh nghèo đói và phá vỡ nhiều thập kỷ thành tựu phát triển khó khăn mới đạt được.

Trương Khắc Trà