Kinh tế thế giới

Thuế quan của ông Trump không phải lời “hù dọa”

Nam Trần 19/11/2024 03:36

Những cố vấn kinh tế quốc tế của ông Trump trong nhiệm kỳ I cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) không nên cho rằng những lời đe dọa áp thuế của ông Trump chỉ là “một sự hù dọa”.

Trump tariff
Nhiều chuyên gia cảnh báo lời đe dọa áp thuế của ông Trump không phải là "nói suông" (Ảnh: The Conversation)

Không phải lời nói suông?

Một cựu quan chức trong chính quyền của ông Trump vừa lên tiếng khẳng định rằng EU cần sẵn sàng đối mặt với một loạt động thái nhanh chóng từ Tổng thống đắc cử của Mỹ, bao gồm cả việc tăng thuế và bỏ qua vai trò của Brussels để đàm phán trực tiếp với từng thành viên châu Âu về các vấn đề thương mại.

“Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần nhắc đến ý tưởng áp dụng một mức thuế cơ bản đối với tất cả hàng nhập khẩu từ mọi đối tác thương mại của Mỹ,” bà Kelly Ann Shaw, cựu Phó trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề kinh tế quốc tế, nhấn mạnh và cho biết thêm rằng ciờ đây, khi chúng ta đã chứng kiến chiến thắng áp đảo trong bầu cử, ông Trump có lý do để theo đuổi điều đó.

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy kế hoạch áp thuế của ông Trump là niềm tin rằng Hoa Kỳ đang chịu thiệt thòi do mức thuế thấp hơn đáng kể so với EU và các đối tác thương mại khác. Theo bà Shaw, ông Trump coi đây là sự chênh lệch cần được điều chỉnh để làm cho mức thuế trở nên cân xứng hơn.

“Giả định của tôi là Tổng thống sẽ hành động rất nhanh chóng. Tôi không thể nói chắc liệu điều đó xảy ra vào ngày nào, nhưng tôi tin rằng ông ấy muốn triển khai các chính sách này càng sớm càng tốt”, bà Shaw - cựu Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia dưới thời Trump, nói thêm.

Thoạt nhìn, không có sự khác biệt quá lớn giữa mức thuế trung bình của Hoa Kỳ và EU. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mức thuế trung bình của Hoa Kỳ năm 2023 là 3,3%, so với 5,0% của EU. Tuy nhiên, một số ngành có khác biệt tương đối lớn. EU áp thuế 10% đối với ô tô chở khách, trong khi Hoa Kỳ chỉ áp 2,5%. Trong lĩnh vực nông sản, mức thuế trung bình của EU là 11,3%, gần gấp đôi so với 4,8% của Hoa Kỳ.

Không chỉ dừng lại ở thuế quan, các doanh nghiệp Hoa Kỳ từ lâu đã phàn nàn về các rào cản phi thuế quan từ EU, vốn được cho là gây khó khăn trong việc tiếp cận thị trường, theo Politico. Báo cáo gần đây nhất của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã dành tới 30 trang để liệt kê các rào cản thương mại của EU, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với EU đã tăng mạnh và đang trên đà lập kỷ lục mới vào năm 2024, ước tính đạt khoảng 230 tỷ USD. Ông Trump coi đây là một bằng chứng rõ ràng cho sự bất cân xứng trong quan hệ thương mại giữa hai bên.

Để đối phó với sự mất cân bằng này, ông Trump đã đề xuất áp đặt mức thuế lên đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ, bao gồm cả 575 tỷ USD ô tô, sản phẩm dược phẩm, máy móc và hàng hóa khác từ EU. Điều này không chỉ làm gia tăng căng thẳng thương mại mà còn vi phạm các cam kết thuế quan mà Hoa Kỳ đã đưa ra trong WTO, mặc dù ông Trump có thể biện minh bằng lý do an ninh quốc gia.

Everett Eissenstat, một cựu Phó trợ lý Tổng thống Mỹ về các vấn đề kinh tế quốc tế khác, cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu không nên đánh giá thấp lời đe dọa này.

eu_us.jpg
Ngay cả một đồng minh thân thiết như EU cũng nên lo ngại về mức thuế dưới thời ông Trump (Ảnh: CNBC)

Eissenstat dự đoán ông Trump sẽ vượt qua Brussels để làm việc trực tiếp với từng quốc gia EU. Điều này phản ánh tư duy chiến lược trong cuốn sách của Robert Lighthizer, cựu Đại diện thương mại Hoa Kỳ, khi ông gọi Đức, Pháp, Ireland và Italia là những quốc gia “có vấn đề.”

EU khó xác định cách đáp trả

Ignacio García Bercero, cựu Đại diện của Ủy ban châu Âu trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, kêu gọi EU cần sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp mang tính chiến lược. “Đừng ngây thơ. Đừng bước vào cuộc đàm phán mà không có sẵn một phương án trả đũa đáng tin cậy,” ông từng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, García Bercero cảnh báo Brussels không nên rơi vào bẫy trả đũa “ăn miếng trả miếng.” Thay vào đó, EU nên tập trung vào cách tiếp cận tinh vi hơn để tránh thiệt hại kép: vừa mất xuất khẩu sang Hoa Kỳ, vừa làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

“Hãy giả định rằng Hoa Kỳ áp dụng mức thuế 10% trên diện rộng. Điều đó sẽ là tự sát về kinh tế. Có rất nhiều mặt hàng chúng ta xuất khẩu mà họ cần. Nếu họ muốn tự bắn vào chân mình, chúng ta không cần làm điều tương tự”, ông giải thích.

Nam Trần