Kinh tế địa phương

Doanh nghiệp dệt may Nam Định bứt tốc cuối năm

Minh Huệ - Hiền Bùi 19/11/2024 1:38

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nhóm dệt may, da giày của tỉnh Nam Định đã khởi sắc và tăng trưởng mạnh.

Kết quả tăng trưởng mạnh.

Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định: Dệt may, da giày là những nhóm sản phẩm trong 10 tháng năm 2024 có khối lượng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó quần áo may sẵn tăng 18,29%. Giày, dép tăng 17,63%. Vải các loại tăng 8,40%... Những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng.

Đặc biệt, hàng may mặc, da giày cũng nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 2.349 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh lập những kỷ lục mới trong kết quả kinh doanh. Lãnh đạo Công ty Cổ phần May Sông Hồng cho biết, doanh thu quý III/2024 của Công ty đạt 1.748 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí, lãi ròng hơn 130 tỷ đồng, tương đương hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.

3(1).jpg
Doanh thu quý III/2024 của Công ty May Sông Hồng đạt 1.748 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước

Đây là mức lãi hàng quý cao nhất mà công ty đạt được kể từ quý IV/2019. Để đạt được kết quả kể trên, bản thân các doanh nghiệp dệt may, da giày của tỉnh rất nỗ lực, không ngừng đổi mới trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý chất lượng để tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và chinh phục được thị trường quốc tế với những tiêu chuẩn khắt khe.

Được biết, May Sông Hồng sẽ trở thành doanh nghiệp tiên phong trong công cuộc đầu tư sản xuất bền vững nhờ vào nền tảng tài chính vững mạnh và tham vọng dẫn đầu của mình. Năm 2025 kỳ vọng của Công ty này sẽ nhận được nhiều đơn hàng FOB hơn từ các khách hàng hiện tại. Trong đó, các đối tác của May Sông Hồng dự phóng doanh thu sẽ tăng trưởng trong giai đoạn 2024- 2025. G-III và Columbia Sportswear kỳ vọng doanh thu sẽ cải thiện 3-5% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2024-2025.

Theo Sở Công thương, hiện nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu đều tích cực linh hoạt trong điều hành, tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm xác định mặt hàng có tính kỹ thuật khó, đơn hàng nhỏ… nhưng giá trị gia tăng cao để sản xuất, thay vì các mặt hàng phổ thông giá rẻ, khó cạnh tranh. Đồng thời, luôn chủ động theo dõi, cập nhật, dự báo các thông tin về thị trường, xây dựng các kịch bản có thể xảy ra và có phương án phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp bao gồm tích cực đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các ngành chức năng cũng tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Các chương trình như xúc tiến thương mại quốc tế, chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng đã và đang được ngành Công Thương tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh triển khai không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp mà còn từng bước củng cố vị thế ngành dệt may, da giày của Nam Định trên thị trường.

Cơ hội cho sự phát triển

Theo Sở Công Thương, hiện tình hình kinh tế vĩ mô đang khá thuận lợi, lượng tồn kho của các doanh nghiệp giảm xuống đang cho thấy tín hiệu tích cực về đơn hàng dệt may, da giày trong những tháng cuối năm.

2(1).jpg
Thời gian qua, các doanh nghiệp trong nhóm dệt may, da giày của tỉnh Nam Định đã khởi sắc và tăng trưởng mạnh

Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành dệt may Nam Định cho biết: Dự báo dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump các đơn hàng sẽ được hưởng lợi, khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội sắp tới. Đó là một trong những yếu tố thuận lợi để ngành dệt may, da giày Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng đứng trước các cơ hội lớn về thị trường, và khẳng định tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới.

Về phía EU, lạm phát đang có xu hướng giảm. Sắp tới, châu Âu là “vùng mờ” về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong trung hạn. Còn với Nhật Bản cũng đang thay đổi tiếp cận chính sách, chấp nhận lạm phát, mất giá đồng Yên để đạt được tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này khiến nhu cầu tiêu dùng tại 3 thị trường xuất khẩu dệt may, da giày lớn nhất của Việt Nam được cải thiện trong thời gian sắp tới.

Cùng với đó, trên góc độ cạnh tranh quốc gia, do các yếu tố bất ổn về chính trị, bất cập về chính sách ở các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Myanmar và Bangladesh đã giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày đón nhận các đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia này; nhiều doanh nghiệp đang có các đơn hàng hết quý II, thậm chí quý III/2025.

Bên cạnh đó, theo Sở Công Thương: Hiện nay ngành may mặc tập trung sản xuất mặt hàng thu đông phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Số lượng đơn hàng tăng khá, các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ngành da giày, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp FDI chủ lực như Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam, Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam, Công ty TNHH Viet Power, Công ty TNHH Yamani Dynasty… tiếp tục tăng khối lượng sản xuất phục vụ xuất khẩu; dự kiến những tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu các sản phẩm da giày ngày càng sôi động.

Trong thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp dệt may, da giày cùng quan tâm giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng thì chú ý hơn tiêu chí phát triển bền vững. Bên cạnh các thị trường lớn, thị trường truyền thống cũng cần lưu tâm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường tiềm năng như ASEAN, Nga, Canada…

Để tận dụng, khai thác tối đa nhu cầu, sức mua của thị trường và khai thác đa dạng các thị trường mới, các doanh nghiệp dệt may, da giày của tỉnh cũng bám sát định hướng của ngành chức năng, quan tâm sâu hơn đến các yêu cầu ngày một cao hơn của các nhà nhập khẩu lớn, nhất là các yêu cầu về chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng, môi trường).

Cụ thể như những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Các doanh nghiệp dệt may, da giày sẽ tiếp tục chú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.

Trong đó, tích cực đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp dệt may tại Nam Định.

Minh Huệ - Hiền Bùi