Điện Biên thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông liên vùng
Thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Điện Biên được đầu tư cải tạo, nâng cấp đã có tác động tích cực đến kết nối hạ tầng giao thông liên vùng và quốc tế.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này DĐDN có cuộc phỏng vấn ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên.
Theo ông Kiên, sau khi những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kết nối Điện Biên với các tỉnh miền xuôi và Thủ đô Hà Nội, miền trung và TPHCM. Đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với các tỉnh Bắc Lào và các tỉnh miền Nam Thái Lan. Đặc biệt, khi các dự án hoàn thành góp phần hiện thực hoá các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên thứ XIV đã đề ra.
- Thưa ông, việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Điện Biên đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang giai đoạn 1, để năm 2026 khởi công, hoàn thành vào năm 2027. Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị đã hoàn tất?
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), UBND tỉnh đã mời các nhà đầu tư có nhu cầu nghiên cứu thực hiện Dự án xây dựng Cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1. Theo đó, tỉnh đã chấp thuận cho Liên danh Đèo Cả - Văn Phú – Phú Mỹ - Thành Lợi (Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đại diện, đứng đầu liên danh) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Trong quá trình tổ chức triển khai các bước chuẩn bị dự án, Sở GTVT chủ động, tích cực phối hợp các nhà đầu tư, các đơn vị liên quan khảo sát, nghiên cứu, thu thập tài liệu; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, xin ý kiến chỉ đảo nhằm có giải pháp tháo gỡ trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Qua tham mưu, báo cáo tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng với lãnh đạo tỉnh, Bộ GTVT thống nhất việc UBND tỉnh tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 538/TTg-CN ngày 23/6/2022, nghiên cứu phương án chuyển đổi từ loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL) sang hợp đồng Xây dựng - Kinh Doanh - Chuyển giao (BOT), đề xuất áp dụng chính sách đặc thù cho dự án với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư không quá 70% làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
- Với tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư không quá 70%, phương án huy động tài chính cho Dự án giai đoạn 1 sẽ như thế nào, thưa ông?
Về phần vốn nhà đầu tư tham gia dự án bao gồm nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; Nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác sẽ được xác định, đánh giá cụ thể trong bước lựa chọn nhà đầu tư.
Ngoài ra, phương án huy động tài chính từ nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn ngân sách TƯ hỗ trợ. UBND tỉnh đã có Tờ trình số 387/TTr-UBND ngày 10/02/2023 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án. Theo đó, về nguồn vốn thực hiện dự án, với tổng mức đầu tư dự kiến là khoảng trên 11.000 tỷ đồng, trong đó tỉnh Điện Biên đề xuất cơ chế đặc thù vốn nhà nước tham gia không quá 70%.
- Khi dự án được triển khai sẽ tạo liên kết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên những năm tới?
Đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang là trục giao thông chính kết nối tỉnh Điện Biên với các tỉnh Tây Bắc, với vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đồng thời hình thành trục giao thông kết nối tỉnh Điện Biên với hành lang kinh tế Đông – Tây phía Bắc các nước tiểu vùng sông Mê Công (Bắc Lào, Thái Lan, Mianma) thông qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang. Như vậy, kết hợp với đường hàng không, đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối Điện Biên gần hơn với cả nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung phần lớn nguồn lực triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nhằm tạo động lực phát triển. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn lực để tháo gỡ nút thắt khó khăn về giao thông đường bộ với điều kiện địa lý là tỉnh miền núi, cách xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, thông qua thực hiện từng bước, đồng bộ một số công trình giao thông hiện đại, chất lượng cao (trong đó có đoạn tuyến đường bộ cao tốc từ thành phố Sơn La - Điện Biên) để liên kết Điện Biên với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, kết nối chặt chẽ các vùng kinh tế trong tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo không gian mới để phát triển kinh tế cho địa phương và khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai.
Thời gian qua tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó, một số tập đoàn lớn như, Sun Group, VinGroup, TNG, Công ty Đại An… đến tìm hiểu nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư và thực hiện đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, Điện Biên sẽ trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang tập trung phần lớn nguồn lực triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nhằm tạo động lực phát triển.