Kinh tế địa phương

Lạng Sơn: Quyết tâm tạo bước đột phá

Nguyễn Hà - Lê Nam thực hiện 21/11/2024 21:34

Lạng Sơn tập trung đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo tiền đề bứt phá trong thời gian tới.

doan thanh son

Đó là chia sẻ của ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh những nội dung này.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số được tổ chức triển khai toàn diện, trong đó tỉnh thí điểm nền tảng cửa khẩu số đầu tiên trên toàn quốc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 36 bậc so với năm 2020.

- Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025?

Giai đoạn 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,98%,cao hơn mức bình quân của cả nước năm 2023 (5,05%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 52,77 triệu đồng, tăng 38,5% so với giai đoạn 2015 - 2020. Quy mô kinh tế tỉnh Lạng Sơn năm 2023 là 45.481 tỷ đồng, tăng 30,3 % so với năm 2020.

Trong lĩnh vực kinh tế, kinh tế cửa khẩu được tập trung phát triển nhanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 bình quân tăng 19,4%. 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch hàng hóa XNK trên địa bàn tỉnh đạt 27,49 tỷ USD, tăng 50,61% so với cùng kỳ.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, nâng cấp. Triển khai thực hiện dự án Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh; dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B; đã khởi công dự án Khu du lịch Mẫu Sơn và Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn; thành lập 06 cụm công nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh lên 09 cụm công nghiệp...

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch từng bước được phục hồi. Tổng lượng khách du lịch năm 2023 đạt khoảng 3,92 triệu lượt, gấp 2,43 lần so với năm 2020; doanh thu du lịch đạt 3.135 tỷ đồng, gấp 4,9 lần so với năm 2020.

Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, quy mô, mạng lưới trường, lớp học đa dạng, phù hợp, số trẻ mầm non đến trường, học sinh đi học phổ thông được duy trì đạt tỷ lệ trên 99%; Chất lượng khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên...

- Hiện, tỉnh sẽ chọn chương trình trọng điểm nào để tập trung sức mạnh và tạo bước đột phá, thưa ông?

Từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện 04 chương trình trọng điểm để tập trung sức mạnh và tạo bước đột phá.

Thứ nhất, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu. Đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các khu chức năng, khu vực cửa khẩu biên giới. Triển khai thực hiện ngay Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; Triển khai các giải pháp hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ hai, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự án; đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm, khu, cụm công nghiệp, dự án giao thông có tính chất kết nối liên vùng.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ. Hoàn thiện hồ sơ trình, đề nghị công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu; đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện tốt chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả cho người dân.

- Năm 2023, PCI Lạng Sơn xếp thứ 13/30 tỉnh. Tuy vậy, vẫn còn có một số chỉ số doanh nghiệp chưa đánh giá cao, còn giảm điểm. Để PCI bền vững, thực chất trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhưng giải pháp cụ thể gì, thưa ông?

Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn đạt 69,05 điểm, xếp hạng thứ 13/30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế hàng đầu cả nước. Đây là năm tỉnh Lạng Sơn có điểm số cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, vẫn còn có một số chỉ số doanh nghiệp chưa đánh giá cao, còn giảm điểm. Điều này cho thấy những cải cách, nỗ lực của tỉnh chưa được các doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ và thực tế còn có những rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ cũng như tạo lập môi trường thân thiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Trong năm 2024 cũng như các năm tiếp theo, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc xây dựng chính quyền minh bạch, liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số toàn diện, sâu rộng trên các lĩnh vực để tạo không gian thuận lợi, công khai, minh bạch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được HĐND, UBND tỉnh ban hành và các chính sách khác của Trung ương nhằm hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Lạng Sơn cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đổi mới, phát huy hiệu quả mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp phù hợp với xu hướng chuyển đối số toàn diện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Lạng Sơn cam kết luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Với những nỗ lực và cam kết của tỉnh, Lạng Sơn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Hà - Lê Nam thực hiện