Thanh tra tỉnh Lạng Sơn: Không để nhũng nhiễu “làm khó” doanh nghiệp
Thanh tra tỉnh Lạng Sơn phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, quán triệt, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Đậu Trường An, Chánh thanh tra tỉnh cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), ngành tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. “Ngành chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra nội bộ nhằm ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc; kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực”, ông An nhấn mạnh.
Được biết, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, như: xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử, kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt;... Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện cuộc thanh tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Chánh thanh tra tỉnh Lạng Sơn thông tin, để đồng hành cùng doanh nghiệp, ngành tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi tham nhũng, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp; Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi kịp thời, đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt đảm bảo kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ, bảo đảm mọi phản ánh, kiến nghị đều được ghi nhận và trả lời thỏa đáng cho doanh nghiệp…