Phân tích - Bình luận

Đánh thuế tỷ phú, G20 dự định thu 250 tỷ USD mỗi năm

Trương Khắc Trà 20/11/2024 04:03

Hội nghị thượng đỉnh G20 dự tính đánh thuế ít nhất 2% trên tổng giá trị tài sản của mỗi tỷ phú thế giới, ước lượng khoảng 3.000 người.

tải-xuống (1)
Hội nghị thượng đỉnh G20 bàn cách thu thuế các tỷ phú thế giới (Ảnh AP)

Hội nghị thượng đỉnh G20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung với những nội dung quan trọng. Trong đó, phải kể đến khả năng đưa ra khung khổ nộp thuế mới đối với giới siêu giàu trên toàn cầu. Điều này có thể tạo ra hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm

Nước chủ nhà Brazil đề xuất đánh thuế ít nhất 2% với các tỷ phú. Theo nhà kinh tế học người Pháp Gabriel Zucman, người từng làm cố vấn cho chính quyền Tổng thống Lula da Silva, biện pháp như vậy sẽ ảnh hưởng đến khoảng 3.000 người trên khắp thế giới, trong đó có 100 người ở Mỹ Latin.

Riêng 1% giới siêu giàu tại 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới chiếm 31% tổng tài sản toàn khối. Giám đốc điều hành Oxfam Brazil, bà Viviana Santiago phát biểu: “Chỉ khi buộc người giàu chi trả nhiều hơn, chúng ta mới có thể bắt đầu hàn gắn những rạn nứt bất bình đẳng xã hội.

Nghiên cứu của nhà kinh tế tiên phong Gabriel Zucman: Trong thời kỳ COVID-19, nhóm 5 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản. Các tỷ phú chỉ phải trả trung bình 0,3% thuế cho tài sản của họ - một phần nhỏ so với mức thuế mà người lao động phải trả.

Theo ước tính nhóm tỷ phú toàn cầu nắm giữ khoảng 14.200 tỷ đô la Mỹ, với mức thuế 2% đối với các tỷ phú sẽ tương đương khoảng xấp xỉ 250 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Pháp, Đức và Nam Phi đã bày tỏ sự ủng hộ, nói rằng số tiền này là cần thiết để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu và thúc đẩy đầu tư xanh.

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha đã thúc giục các nước giàu nhất thế giới “hãy dũng cảm” và tăng cường nỗ lực để đạt được thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với 3.000 tỷ phú trên thế giới. Ông này nói rằng “các cuộc bầu cử gần đây cho thấy người dân đang yêu cầu phân phối lại của cải”.

1721925636942.png

Sở dĩ Tây Ban Nha ủng hộ mạnh mẽ “tái phân phối của cải” là bởi nước này đang ở giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng khí hậu. Những trận mưa lũ bất thường tại các thành phố Valencia, Malaga; khu vực Andalusia và Catalonia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính cấp bách của tài chính khí hậu.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đặt ra yêu cầu rất cao với Tây Ban Nha, bao gồm năng lượng tái tạo và các dự án đầu tư xanh là một phần của động lực tăng trưởng mới. Một phần ba lượng điện của nước này vào năm ngoái đến từ điện gió và năng lượng mặt trời. Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha Cuerpo cho rằng: “Đầu tư vào năng lượng tái tạo ở là một yếu tố thúc đẩy khả năng cạnh tranh của chúng tôi tăng lên”.

Song song với việc đánh thuế cá nhân tỷ phú, mức thuế tối thiểu 15% áp dụng cho các công ty đa quốc gia kể từ năm nay và hiện đã được hơn 50 quốc gia thực thi. Nếu các tỷ phú chuyển tài sản đến “thiên đường thuế”, quốc gia nơi họ sinh ra có thể thu thuế xuất cảnh.

Thế giới ngày càng nhận thấy rõ ràng sự bất bình đẳng về của cải và thu nhập làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và sự gắn kết xã hội. Điều này gây ra những cuộc khủng hoảng cục bộ và lan ra diện rộng.

Trương Khắc Trà