Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt làm đường sắt tốc độ cao: Bài toán khó là nhân lực

Thy Hằng 19/11/2024 16:43

Dù khẳng định doanh nghiệp trong nước đủ sức làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là dự án rất lớn và có nguồn vốn đặc biệt lớn, chưa từng có tại Việt Nam.

Bản sao 1722221158-bfdf2f56-7c2f-4445-83ec-2cb4baf705c2faceimage-17222211935291838373926-384-0-1024-1024-crop-17241496866981366185294
Chủ trương của Chính phủ ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu, công nghiệp đường sắt...

Trận địa công nghệ mới

Khẳng định quan điểm của Đảng, Chính phủ là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu, công nghiệp đường sắt,… ông Phương đặt vấn đề chính sách đã có thì sự sẵn sàng của doanh nghiệp thế nào?

“Nghiên cứu của Tư vấn đã chỉ ra, với giá trị vốn đầu tư hợp phần xây lắp hạ tầng khoảng 33 tỷ USD, cùng đó là các hợp phần về hệ thống điều khiển, hệ thống cấp điện, phương tiện… Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp trong nước,” ông Phương nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng lưu ý, dự án đường sắt tốc độ cao có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ, do đó không thể chủ quan.

"Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một “trận địa công nghệ mới” cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất về xây dựng để ứng dụng", ông Hiệp nói.

Với năng lực, trình độ các doanh nghiệp Việt hiện nay, ông Hiệp khẳng định, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công.

Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, vấn đề cần quan tâm là nguồn nhân lực lao động.

Thách thức lớn nhân lực

duong-sat-tocdocao.jpg
Dự án đường sắt tốc độ cao có tốc độ 350km/h, độ chính xác liên quan đến tốc độ đòi hỏi mức độ khác hơn về công nghệ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, nguồn nhân lực đang là thách thức lớn.

Tính toán cho thấy, dự án sẽ cần khoảng 240.000 công nhân kỹ thuật cho thi công xây lắp hạ tầng và một số chuyên ngành đặc thù, 13.800 nhân lực vận hành và khoảng 2.000 chuyên gia tư vấn.

Tìm giải pháp cho vấn đề này, từ góc độ doanh nghiệp, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) nhìn nhận, trong 2 năm tới để khởi động thi công, không thể lao vào đào tạo nhân lực mà cần tìm giải pháp thông qua nhập khẩu lao động, nhập khẩu kỹ sư. Việc đào tạo dành cho chiến lược dài hơi trong 5 năm tới.

Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thì chia sẻ, tập đoàn đã hợp tác với các trường đại học trong nước, thành lập Viện đào tạo nghiên cứu Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt-metro.

“Đặc biệt, thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả cũng đã tổ chức nhiều đoàn công tác học tập dài ngày, nghiên cứu, làm việc với các đơn vị trong nước và các đối tác nước ngoài về tất cả những vấn đề liên quan tới công nghệ, nội địa hóa, chuyển giao công nghệ, liên doanh liên kết,” ông Huy chia sẻ.

Thy Hằng