Doanh nghiệp Việt làm đường sắt tốc độ cao: "Bắt tay" để tránh thua trên "sân nhà"
Cần có sự phối hợp, liên kết, hỗ trợ tương tác giữa các doanh nghiệp nội địa khi thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiệu quả.
Dù quan điểm của Đảng, Chính phủ với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là ưu tiên tối đa cho doanh nghiệp trong nước trên tất cả các lĩnh vực, từ tư vấn, thi công xây lắp, đến sản xuất vật liệu; công nghiệp đường sắt,… các doanh nghiệp cũng khẳng định sẵn sàng nhập cuộc dự án này, tuy nhiên với một siêu dự án 33 tỷ USD quy mô chưa từng có, vẫn còn nhiều băn khoăn từ những “người trong cuộc”.
Sớm ban hành tiêu chuẩn
Trước hết, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam bày tỏ băn khoăn với những quy định về lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, Luật Đấu thầu quy định, khi lựa chọn nhà thầu có căn cứ xác định năng lực nhà thầu phải từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương. Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao là công trình đầu tiên tại Việt Nam. Ông Hiệp cho rằng, nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tham gia đấu thầu.
Lấy ví dụ tiền lệ trước đây khi xây dựng Landmark 81 tại TP Hồ Chí Minh, cũng lâm vào tình cảnh tương tự là chưa có nhà thầu nào tại Việt Nam đạt tiêu chí đã từng thực hiện toà nhà 80 tầng. Tuy nhiên, Vincom vẫn quyết định chọn Coteccons nhờ đánh giá năng lực nhà thầu này có thể đảm đương được và quả thật dự án vẫn thành công, ông Hiệp cho rằng: “Cơ quan quản lý cần xem xét lại cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt phát huy khả năng của mình."
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) cho rằng, cần tham khảo quy trình pháp lý để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp khi tìm hiểu được cần chia sẻ thông tin với nhau, từ đó hình thành liên danh giữa các nhà thầu Việt.
Đồng tình, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cũng đề nghị, Nhà nước sớm công bố tiêu chuẩn để doanh nghiệp nhà thầu có cơ sở đi theo.
Doanh nghiệp cũng cho rằng, cần xem xét ban hành sớm các tiêu chuẩn ngành, khảo sát, thiết kế, nghiệm thu, thanh toán, thi công để tạo ra hành lang pháp lý sau này từ đầu tư, thiết kế, thi công đến phê duyệt.
"Cuộc đua" công nghệ
Bên cạnh chính sách, ông Huy cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ phải trải qua nhiều thách thức về công nghệ, kỹ thuật. Cần có đầu bài để đưa ra hợp tác quốc tế, có chuẩn để tiếp cận công nghệ phù hợp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng chia sẻ, hiện nay thiết bị nhà thầu Việt đáp ứng yêu cầu, nhưng khi làm hạng mục công trình đường sắt tốc độ cao đòi hỏi công nghệ mới hơn và kỷ luật hơn, đặc biệt là tính chính xác của máy móc.
Do đó, ngoài cố gắng doanh nghiệp, ông Tuấn Anh cho rằng cần có sự phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau. Lấy ví dụ về dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đang phát huy rất tốt sự liên kết này, ông Tuấn Anh cho đây là điểm sáng.
“Ngoài tự thân cố gắng, cần có sự phối hợp với nhau giữa các doanh nghiệp. Trước đây doanh nghiệp xây lắp thường cạnh tranh, nhưng gần đây có hỗ trợ tương tác tốt. Chúng ta cần phát huy yếu tố này khi thực hiện đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt khác”, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ.