Câu chuyện lập nghiệp thành công của anh sinh viên từ luống hành của cha mẹ
Phùng Văn Vĩnh sinh viên nghèo khó ở xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang lập nghiệp thành công từ luống hành của cha mẹ mong đến ngày thu hoạch bán đi lo học phí cho con.
Cái tên Phùng Văn Vĩnh không còn xa lạ với miền quê lúa xã Đông Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Nhắc đến anh, bà con nơi đây nghĩ ngay đến hình ảnh một chàng trai với dáng người mảnh khảnh, xương xương nhưng ẩn sâu bên trong là một nghị lực sống mạnh mẽ.
“Kể cả cọ toilet, cũng phải là người làm tốt nhất”
Sinh ra trong gia đình có ba anh em, Vĩnh là con út. Ba mẹ đều làm nông, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy quả vải ngoài vườn và gánh hành hoa be bé. Thấu hiểu nỗi khó khăn của ba mẹ, Vĩnh nhận ra chỉ có học vấn mới giúp mình thực hiện ước mơ thoát nghèo.
Là một cậu bé thông minh, sáng dạ, cộng thêm ý chí luôn sôi sục trong lòng, Phùng Văn Vĩnh đã nỗ lực học tập. Ước mơ chạm tay vào cổng trường đại học thành hiện thực. Quãng thời gian sinh viên nghèo khó nhưng đầy nhiệt huyết của Vĩnh luôn in hằn bóng cha bóng mẹ hì hục giã từng gánh lạc, chăm chút từng luống hành mong đến ngày thu hoạch bán đi lo học phí cho con.
Hình ảnh lọ muối vừng giản dị nhưng đậm đà tình yêu thương trong các bữa ăn gia đình hay lời dặn dò của cha như văng vẳng bên tai cậu sinh viên hiếu học: “Cha mẹ sẽ cố gắng làm, có gì thì vay mượn thêm gửi cho con. Gắng học thật tốt cho có tương lai. Như cha mẹ chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bao giờ mới khá lên được”.
Biết cha mẹ xót con nhưng Vĩnh không thể làm lơ trước nỗi nhọc nhằn của những người thân. Khi bắt đầu bước ra môi trường mới là chuỗi ngày chật vật xoay xở mưu sinh. Vĩnh tranh thủ bưng bê đồ tại quán cà phê với tiền công 30.000 đồng/ngày, phụ giúp tại các đám cưới đám hỏi. Anh tâm đắc với câu nói: “Bất kể việc gì, kể cả cọ toilet, cũng phải là người làm tốt nhất”.
Sau khi tốt nghiệp, Vĩnh làm tại một công ty với vai trò kỹ sư điện. Đặc thù công việc phải rong ruổi khắp nơi, dù là vùng sâu vùng xa hiểm trở, anh vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Thu nhập của Vĩnh là 12 triệu đồng/tháng, số tiền không nhỏ vào thời điểm đó. Tuy nhiên, chàng trai ôm tham vọng lớn lao tự nhủ nhất định phải có nghề tay trái để tăng thu nhập, khám phá năng lực của bản thân.
Ván cờ “tất tay”
Xây dựng tổ ấm nhỏ, rồi đón thêm con thứ ba, Phùng Văn Vĩnh quyết định làm thêm nghề phân phối nước giặt. Mặc dù là một người thiên về công việc kỹ thuật nhưng khi chuyển hướng kinh doanh, anh nhận thấy sự tương đồng thú vị giữa hai lĩnh vực. Đó chính là thói quen làm việc tỉ mỉ, tập trung cao độ vào chất lượng của sản phẩm. Mỗi ngày, mỗi giờ, vị doanh nhân trẻ quê Bắc Giang đã xây dựng nhiều hệ thống phân phối ở khắp vùng miền.
Đến một thời điểm, Phùng Văn Vĩnh nhận ra rằng chỉ có kinh doanh là con đường ngắn nhất để hiện thực hoá ước mơ. Hai vợ chồng quyết định chơi ván cờ tất tay mạo hiểm, dùng toàn bộ số tiền tích góp, vay thêm người nhà để thành lập nhà máy sản xuất.
Vĩnh tự tin rằng: “Sản phẩm chất lượng, đội ngũ phân phối tốt thì hàng sẽ bán được”. Vì vậy, anh lập tức thuê chuyên gia nước ngoài để chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, gian nan vẫn chưa kết thúc, những mẻ hàng đầu tiên mang đến “trái đắng” nhớ đời. Nhiều lô hàng bị lỗi do thời tiết và khí hậu Việt Nam không phù hợp với công nghệ nước ngoài, trong khi nguồn vốn cạn kiệt.
Nhất định không lùi bước, Phùng Văn Vĩnh cùng cộng sự tìm nguyên nhân, khắc phục từng vấn đề nhỏ nhất. Cuối cùng anh tìm ra bí quyết tạo nên những sản phẩm phục vụ yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đảm bảo tính an toàn, ổn định và thân thiện với môi trường.
Thành công trong sự nghiệp, khẳng định vị thế trong xã hội và đóng góp không nhỏ cho cộng đồng nhưng Phùng Văn Vĩnh có lối sống khiêm nhường, thích hành động hơn là những phát ngôn hùng hồn. Với anh, thành công không chỉ để tích lũy tài sản, mà còn để chia sẻ và tạo giá trị cho xã hội.
Vị giám đốc trẻ mong muốn “trả ơn” cuộc đời bằng cách âm thầm tham gia nhiều chương trình thiện nguyện hỗ trợ bà con vùng cao Tây Bắc, cứu trợ cho khu vực bị lũ lụt hoành hành; hay những dự án chăm sóc trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, người yếu thế trong xã hội.
Đặc biệt, Phùng Văn Vĩnh luôn hướng về cội nguồn, sẵn sàng phụ giúp đồng bào quê mình khi có thiên tai, bệnh dịch và tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa.
“Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ: số phận và cơ hội. Nhưng số phận tốt chỉ đến với những ai biết đứng dậy, còn cơ hội dành cho người không ngừng học hỏi. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai được chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng nản chí, đừng buông xuôi, không ngừng cố gắng và hy vọng. Thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình” - Phùng Văn Vĩnh bày tỏ.