24h

Cân nhắc bổ sung quy định thu hút nhà giáo giỏi vào ngành sư phạm

Gia Nguyễn 20/11/2024 11:00

Để tạo nguồn giáo viên thật sự có chất lượng, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm chính sách thu hút các đối tượng là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào ngành sư phạm…

Tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang bày tỏ đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này, đồng thời cho rằng, việc xây dựng Dự án Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết…

du-thao-luat-nha-giao-20.11.2.2.jpg
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang tham gia góp ý Dự thảo Luật - Ảnh: Media Quốc hội

Theo đại biểu, hiện nay nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực nhà giáo có rất nhiều nguyên nhân (có thể là do chế độ đãi ngộ, cơ chế tuyển dụng…). Do đó, đại biểu tán thành với quy định tại Điều 16 của Dự thảo Luật Nhà giáo khi đã quy định rất rõ người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo thì được ưu tiên, tuyển dụng đặc cách.

Đặc biệt, để tạo nguồn giáo viên thật sự có chất lượng, đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách thu hút các đối tượng là học sinh giỏi quốc gia, quốc tế vào ngành sư phạm bằng cách cho phép tuyển thẳng vào các trường sư phạm.

Liên quan đến vấn đề về tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, đại biểu cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%.

Do vậy, đại biểu thống nhất với quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

du-thao-luat-nha-giao-20.11.2.1.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia góp ý Dự thảo Luật - Ảnh: Media Quốc hội

Quan tâm đến Điều 6 của Dự thảo Luật Nhà giáo về Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, tại khoản 1, Điều 6 quy định: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; bảo đảm số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong Dự thảo Luật Nhà giáo chưa thể hiện rõ chính sách này.

Bên cạnh đó, về bảo đảm số lượng đội ngũ nhà giáo, đại biểu cũng cho hay, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2022 - 2023 cả nước vẫn còn thiếu hơn 100.000 giáo viên đối với cấp học phổ thông và theo cái dự báo của Tổng cục Thống kê đến năm 2045 thì dự báo đến năm 2030 thì cả nước cần bổ sung thêm hơn 358.000 giáo viên.

Do vậy, đại biểu cho rằng, Luật Nhà giáo cần có những chính sách để đảm bảo về số lượng nhà giáo.

Về chất lượng đội ngũ nhà giáo, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần thể hiện rõ hơn các chính sách để đảm bảo Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng của nhà giáo.

Trong khi đó, quan tâm đến quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng cho biết, tại điểm c khoản 1 Điều 27 Dự thảo Luật quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.

Đại biểu cho rằng, việc ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, đối với người dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều chế độ ưu tiên trong học tập, đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng….

Việc quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số có chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp. Các nhà giáo có cùng trình độ chuyên môn, cùng năng lực như nhau, cùng công tác trong môi trường như nhau, hoàn thành khối lượng công việc như nhau nhưng lương của nhà giáo là người dân tộc thiểu số tại sao lại cao hơn.

“Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về lao động và trái với các quy định của pháp luật về lao động hiện hành; đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung này”, đại biểu bày tỏ.

Gia Nguyễn