Cần minh bạch thị trường, ổn định chính sách để thu hút đầu tư
Theo các chuyên gia, để tạo động lực đầu tư cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, Việt Nam cần chính sách ổn định, tổng thể và thống nhất.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi bật trở lại khoảng 2 quý trở lại đây. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, áp lực lạm phát được kiểm soát trong quý 3. Quý 3/2024, tốc độ tăng CPI cho thấy một tình hình lạc quan khi chỉ tăng 3,48%, thấp hơn so với nửa đầu năm 2024. Chỉ số niềm tin kinh doanh BCI giờ đã ở mức trên trung bình. Cụ thể, khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong quý 3/2024 cho thấy, chỉ số BCI đã tăng đáng kể, từ 45,1 trong quý 3/2023 lên 52 điểm phần trăm vào quý 3 năm nay, đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ.
Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, vấn đề môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện, về chính sách, chưa thực sự hấp dẫn, rào cản thủ tục hành chính vẫn rất lớn. Vì vậy, cần nhìn nhận động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là gì, làm thế nào để duy trì được mức tăng trưởng như vậy? Thu hút đầu tư cần những chính sách gì?
Nêu quan điểm về vấn đề này TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, chỉ số BCI có sự cải thiện, song chưa thực sự bền vững và còn nhiều yếu tố bất định. Đặc biệt một số chính sách chưa có sự cải thiện, không chỉ đơn thuần là rào cản, thủ tục mà nhà đầu tư rất cần sự ổn định của chính sách.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, môi trường kinh doanh không chỉ liên quan tới chính sách, rào cản thủ tục mà còn là sự ổn định của chính sách - đây là yếu tố quyết định sự đầu tư của doanh nghiệp FDI. Trên thực tế, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng, nhưng nếu so với quy mô dự án thì càng ngày càng nhỏ dần. Bên cạnh đó, cải cách thực chất chưa làm được nhiều.
“Vì vậy, cần các giải pháp trực diện hơn, cụ thể hơn thì sẽ có hiệu quả hơn trong tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VEPR) nhấn mạnh rằng để khuyến khích đầu tư cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, chính sách cần phải bắt kịp các tiêu chuẩn toàn cầu. Nếu chính sách không được điều chỉnh phù hợp, việc thúc đẩy đầu tư theo các xu hướng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực tiêu dùng xanh, sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Chẳng hạn như Nghị định 135/2024/NĐ-CP về phát triển điện mái nhà (tạm gọi là xoá đói về điện sạch), giảm nghèo về các mục tiêu tăng trưởng bền vững và net zero; thẻ vàng của EU và kiểm soát dư lượng thực vật của EU… rất tốt. Nhưng nếu không có sự đồng bộ chính sách của cơ quan nhà nước trong hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, nông dân nuôi trồng, đánh bắt hải sản, chúng ta sẽ gặp rào cản và khó khăn nhất định đến từ các hàng rào kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan của thương mại đầu tư quốc tế. Điều này làm giảm sự tự tin, hứng khởi trong đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”, TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ.
Theo chuyên gia này, thúc đẩy các động lực đầu tư, tiêu dùng trong nước cần có những chính sách thực chất hơn, hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm hơn chứ không cần những chính sách dàn trải trong tương lai.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, cần tiếp tục xử lý tất cả các vấn đề tồn tại vướng mắc hiện nay, đặc biệt là phải xác định xúc tiến đầu tư không chỉ là đến mời gọi họ đến tìm hiểu môi trường đầu tư, cái quan trọng phải tạo lập được niềm tin. Đây chính là lý do vì sao chúng ta phải xúc tiến đầu tư tại chỗ là vô cùng quan trọng.
“Xúc tiến đầu tư tại chỗ là xử lý ngay, gỡ vướng kịp thời tất cả những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư hiện hữu để làm sao cho họ có thể triển khai hoạt động kinh doanh thuận lợi và chính họ sẽ là nhân chứng sống để giúp khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định sự đồng hành của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương đối với doanh nghiệp. Chính các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là người thu hút mạng lưới, đối tác của họ đến tìm hiểu, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ,
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, phải thường xuyên rà soát nắm bắt những xu thế của thế giới để đưa ra chính sách phù hợp, đặc biệt là chính sách ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư.