Doanh nhân

Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp nhỏ

[ Đức Hạnh thực hiện ] 22/11/2024 14:45

Khi “thể trạng” và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được cải thiện thì việc tiếp cận vốn tín dụng nhanh hơn, phát huy hiệu quả tốt hơn trong sản xuất kinh doanh.

Kim Hung
Ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Kim Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: tài chính vi mô dành cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tuy đã có nhưng chưa được “thẩm thấu” vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ do thiếu nhiều yếu tố quan trọng, từ cơ sở pháp lý, nguồn lực đến nội lực của doanh nghiệp thụ hưởng.

- Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang được mở rộng khi các fintech ngày càng phát triển, thưa ông?

Tôi cho rằng, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhưng vấn đề nằm ở việc tiếp cận với quy mô và giới hạn tín dụng thế nào? Vốn vay ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thường cần tài sản đảm bảo, tỷ lệ vốn tín chấp thấp khiến nhóm doanh nghiệp này rất khó đáp ứng các điều kiện cho vay.

Những doanh nghiệp này phần lớn đi lên từ nghề, phục vụ thị trường ngách, hẹp; biên lợi nhuận mỏng nên 70 - 80% trong đó thiếu tư duy tài chính và khả năng xây dựng chiến lược tài chính trong trung và dài hạn. Không có xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; ngay cả tổ chức tài chính theo dõi trực tiếp khó có thể xếp hạng hay nâng hạng cho đối tượng này doanh nghiệp. Do chiến lược không có đồng thuận, không có điểm chung nên việc cung cấp tín dụng của ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp kinh tế vĩ mô nhưng kinh tế vi mô hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ lại chưa có. Hiệp hội nhiều lần đề xuất chủ trương phát triển tài chính vi mô với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, trong đó có tài chính vi mô áp dụng công nghệ số - fintech. Mô hình này góp phần giải quyết nhu cầu ngay và luôn, phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tuy nhiên, thực tế, không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được.

fintech_2.jpg
Cơ chế sandbox thí điểm càng ban hành sớm thì thị trường tài chính vi mô càng hỗ trợ vốn tốt hơn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

- Đâu là những rào cản hạn chế khả năng tiếp cận của cung - cầu tín dụng trên, thưa ông?

Với sự phát triển nhanh của công nghệ, fintech đang tồn tại trên thị trường nhưng khung khổ pháp lý cho hoạt động của công nghệ tài chính lại chưa hoàn thiện. Ngoài ra, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang gặp rào cản và rủi ro lớn là cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ. Do đó, cần có cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu, nếu không các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể đối mặt với nợ xấu và việc xử lý cũng rất khó khăn.

- Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng sắp được ban hành. Ông kỳ vọng gì ở cơ chế sandbox thí điểm cho fintech thúc đẩy kênh dẫn vốn đặc thù cho doanh nghiệp?

Các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang tham gia trên một bình diện của thị trường, góp phần bình ổn giá, kích thích tiêu dùng, góp phần cho tăng trưởng chung của cả kinh tế. Tài chính vi mô, trong đó có fintech hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là miếng ghép hoàn thiện cho thị trường tài chính. Đây là vấn đề mới, chúng tôi đề xuất cần có khuôn khổ pháp lý mở mang tính dẫn dắt. Cơ chế sandbox thí điểm càng ban hành sớm thì thị trường tài chính vi mô càng hỗ trợ vốn tốt hơn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Tuy nhiên, vì là vấn đề mới nên cũng có nhiều rủi ro. Nếu nhìn ở góc độ tích cực trên, thiết nghĩ, chúng ta phải chấp nhận độ rủi ro nhất định trong giai đoạn đầu và tiếp tục điều chỉnh còn hơn đang thả lỏng như hiện nay. Đặc biệt, cần có bước đột phá mới trong triển khai để dẫn dắt chính sách đi vào cuộc sống, ít bị tắc nghẽn bởi những điểm “sợ trách nhiệm” hoặc không dám thực thi. Trong đó, cần làm rõ nội hàm quy định để doanh nghiệp, các cơ quan chức năng hiểu và làm đúng; thậm chí cần quy định rõ việc thực hiện không đúng mức phạt cụ thể là gì?... Bổ sung chi tiết và làm rõ như vậy, tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới thực sự có cơ hội phát triển.

- Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông, những giải pháp lâu dài nào cần thực hiện để tăng khả năng hấp thụ vốn khi điểm nghẽn tín dụng được cởi gỡ?

Về lâu dài, kiến tạo thể chế xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, hạn chế cạnh tranh về giá là điều quan trọng và cần thiết nhất để tăng cường “sức khoẻ” cho doanh nghiệp nhỏ. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nhấn mạnh, doanh nghiệp lớn cần làm việc lớn, không làm việc nhỏ mà các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện được. Tôi nghĩ đây là những bước đầu tiên của nhận thức và sau này được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách. Khi điều kiện kinh doanh tốt hơn, môi trường cạnh tranh hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mang lại biên độ lợi nhuận tốt hơn, tăng khả năng tích luỹ vốn chủ sở hữu cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khi “thể trạng” khá hơn, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và phát huy hiệu quả vốn tín dụng tốt hơn. Bên cạnh đó, cần ổn định chính sách pháp luật, thúc đẩy niềm tin kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

[ Đức Hạnh thực hiện ]