Kinh tế địa phương

Nam Định thúc đẩy phát triển công nghiệp dược liệu

Minh Huệ 21/11/2024 08:37

Nam Định phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp dược liệu, chuyên nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh của cả nước.

Thúc đẩy

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XIX đã xác định, phát triển công nghiệp dược theo hướng đầu tư chiều sâu, phấn đấu đưa Nam Định trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh của cả nước.

Để công nghiệp dược Nam Định trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, tỉnh Nam Định chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp ưu tiên phát triển sản xuất nguyên liệu dược liệu với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật.

4(1).jpg
Sản xuất dược phẩm tại Công ty TNHH Nam Dược, KCN Hòa Xá (Ảnh Báo Nam Định)

Bà Trần Thị Xuân - Giám đốc HTX HTX Dược liệu Hải Hậu ACT cho biết: Năm 2020, sản phẩm Cao dây thìa canh của HTX được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được cấp chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Nam Định năm 2021.

Theo bà Xuân, để có nguồn dược liệu sạch, HTX chọn vùng trồng sinh thái phù hợp với nguồn đất, nước đảm bảo; ký kết bao tiêu với các hộ trồng dây thìa canh tại các xã Hải Phúc, Hải Lộc với các tiêu chí: vùng trồng cách biệt xa khu dân cư, khu chăn nuôi; đảm bảo “3 không” (không dư lượng thuốc trừ sâu, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản) và “3 có” (có nguồn giống tốt, có quy trình chuẩn và có hoạt chất cao).

Để nâng tầm sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, HTX đầu tư, nâng cấp dây chuyền máy móc, trang thiết bị để phục vụ cho sản xuất và chế biến sản phẩm. Sản phẩm Trà dây thìa canh được sấy khô ở nhiệt độ thích hợp, đảm bảo dược tính, dưỡng chất, giữ nguyên màu sắc tự nhiên, không bị ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài và giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm.

Ngoài diện tích 357ha trồng lúa chất lượng cao, dây thìa canh là cây “chủ lực” của xã Hải Lộc - Hải Hậu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

Ông Cao Đức Thiệp - Bí thư Đảng ủy xã Hải Lộc cho biết: Toàn xã hiện có hơn 40ha trồng dây thìa canh; là địa phương đầu tiên ở Việt Nam xây dựng vùng trồng nguyên liệu dây thìa canh đạt đủ tiêu chuẩn dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO của tổ chức Y tế thế giới. Đây cũng là vùng trồng dược liệu đã được tổ chức Helvetas thuộc Dự án Thương mại Sinh học Bio Trade do Cục dự trữ liên bang Thụy Sỹ lựa chọn tài trợ để trở thành vùng dược liệu sạch, đảm bảo tiêu chuẩn dược liệu theo chuẩn quốc tế.

Bà Đỗ Thị Nụ, Chủ nhiệm HTX Dẫn cây dược liệu Hải Lộc chia sẻ: Trên những vùng chân ruộng cao, khó canh tác, trước đây chỉ chuyên trồng khoai lang, cho thu nhập thấp, từ năm 2003, bà con địa phương đã chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây dây thìa canh. HXT trồng cây dược liệu Hải Lộc hiện có 125 thành viên trồng cây dược liệu với tổng diện tích gần 30ha.

Hiện tại, sản phẩm dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu Hải Lộc đã được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao. Ngoài dây thìa canh sấy khô, HTX còn chế biến các sản phẩm tinh chế như: cao thìa canh, trà túi lọc, tiện lợi cho người sử dụng. Về hiệu quả kinh tế, so với cây lúa và một số cây rau màu khác, dây thìa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Đây cũng là loại cây dược liệu dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu vào thấp, trồng một lần có thể thu hoạch trên 10 năm.

Thúc đẩy

Ông Trần Trung Kiên - Giám đốc Sở Y tế cho biết: Với hệ sinh thái thuận lợi, Nam Định có tiềm năng nổi trội để phát triển các vùng trồng cây dược liệu. Các loại cây thuốc trên địa bàn tỉnh hiện đang được đưa vào danh mục đầu tư bảo tồn, phát triển gồm: củ gấu biển, diệp hạ châu, sâm đất, sài hồ, ngưu tất, huyền sâm, cát cánh, dây thìa canh, hoa hòe.

Hiện ngành Y tế phối hợp với các sở, ngành hữu quan, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng cây dược liệu. Theo đó, tổng diện tích cây dược liệu đến năm 2025 vào khoảng 1.325ha, tăng 545ha so với hiện nay. Trong đó, cây đinh lăng (tổng diện tích khoảng 750ha, tại các huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng). Ngưu tất (tổng diện tích khoảng 70ha, chủ yếu tại các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng); hòe, thanh hao (tổng diện tích khoảng 150ha tại các huyện Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy).

6.jpg
Khu vực thu hái cây dược liệu

Mới đây, Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 diễn ra quy tụ 350 đơn vị tham dự, với 550 gian hàng nhằm giới thiệu các thành tựu, sản phẩm, công nghệ, tiên tiến nhất trong ngành Y tế của các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam và các thương hiệu, sản phẩm đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là hoạt động nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam.

Cụ thể, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 ngoài mục tiêu đảm bảo cho người dân tiếp cận thuốc với mức chi phí hợp lý, thì tương lai, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đến năm 2030 có mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Thúc đẩy phát triển công nghiệp dược tại Nam Định nằm trong số các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu này.

Ông Nguyễn Văn Hữu - PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết: Nam Định có điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, đất đai thuận lợi cho phát triển sản xuất nhiều loại cây trồng, trong đó có các loại cây dược liệu như: cát cánh, đương quy, bạch truật, hương nhu, bạc hà, hòe…

Hiện nay, diện tích đất có rừng toàn tỉnh Nam Định là 2.967,32ha, chủ yếu là rừng ngập mặn; trong đó, rừng đặc dụng 1.059,58ha; rừng phòng hộ 1.720,85ha; rừng sản xuất 186,89ha (gồm rừng sản xuất trong quy hoạch 88,23ha và rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng đang rà soát để đưa vào quy hoạch 117,54ha) là nơi có nhiều loài cây thuốc quý như: củ gấu, sài hồ, sâm đất, dứa dại, ô rô, vọng đắng, trinh nữ…

Trên địa bàn tỉnh Nam Định đã hình thành một số vùng trồng cây dược liệu đáp ứng tiêu chuẩn GACP (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) là nguồn nguyên liệu cho một số công ty sản xuất dược lớn (Công TNHH Nam Dược, Công ty TNHH Traphaco, Công ty Hoa Thiên Phú…).

Trong đó, trồng đinh lăng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Ngưu tất ở các huyện Vụ Bản, Nghĩa Hưng; dây thìa canh ở huyện Hải Hậu... Nhìn chung các loại cây dược liệu hiện trồng đều có chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Theo ông Hữu: Nam Định đã khuyến khích các ngành, địa phương tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Thu hút các cơ sở sơ chế, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu. Thống kê, nghiên cứu, sưu tầm, kế thừa các bài thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc trong cộng đồng.

Tìm kiếm, khai thác, sử dụng dược liệu mới, làm sáng tỏ cơ sở khoa học của các vị thuốc, các bài thuốc đông y. Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chủ động chuyển giao các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và dây chuyền thiết bị mới, tiên tiến để chiết xuất cao các nguồn dược liệu theo tiêu chuẩn, tinh chế các sản phẩm từ dược liệu thành nguyên liệu dùng trong công nghiệp dược và trong các ngành hóa học các hợp chất tự nhiên. Phát triển, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ về bào chế thuốc, công nghệ sinh học để phục vụ sản xuất các thuốc mới.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng, khai thác đến chế biến, sử dụng dược liệu trong sản xuất thuốc, khám chữa bệnh và các ngành khác.

Minh Huệ