Doanh nghiệp

ESG và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam

Đan Thanh 21/11/2024 10:00

ESG là khung thực hành giúp doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột E (Môi trường), S (Xã hội) và G (Quản trị).

Mới đây, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) đã công bố Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024.

ava.jpg
Chuyên gia giới thiệu Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024 tại hội thảo

Theo đó, đội ngũ chuyên gia đã tiến hành khảo sát và đánh giá về mức độ nhận thức và thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên khảo sát diện rộng 1.019 doanh nghiệp và khảo sát chuyên sâu 13 doanh nghiệp tiêu biểu đến từ nhiều tỉnh thành, quy mô, ngành nghề trên khắp cả nước.

Theo kết quả Báo cáo, về mặt nhận thức, ESG vẫn là một khái niệm mới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong 1.019 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có đến 39% chưa từng nghe nói đến ESG và 62% hiện chưa nắm rõ các quy định và chính sách của Việt Nam liên quan đến ESG và kinh doanh bền vững như Quyết định số 167/QĐ-TTg, Thông tư số 13/2023/TT-BKHĐT, Thông tư số 96/2020/TT-BTC...

Các doanh nghiệp lớn vượt trội hơn hẳn trong việc tiếp cận thông tin, xây dựng các chiến lược và thực hiện các hoạt động liên quan đến ESG. Tuy nhiên, 26-30% doanh nghiệp ở từng quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia khảo sát cũng đang có những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu và áp dụng các tiêu chí ESG.

a2.jpg
Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp năm 2024

Về mặt thực hành chung, qua điểm trung bình của các doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang thực hiện tốt nhất ở trụ cột Xã hội, tiếp theo là Quản trị, và cuối cùng là Môi trường, với mức điểm thực hành lần lượt là 68%, 63% và 52% (trên thang 100%). Ở cả 3 trụ cột, mức độ thực hành tỷ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp lớn với nguồn lực mạnh có khả năng tuân thủ và áp dụng các quy chuẩn ESG tốt nhất, còn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần nhiều hỗ trợ để tiếp cận và nâng cao hiệu quả thực hành ESG.

Về khó khăn trong việc thực hành ESG, ba khó khăn lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là: Không có hoặc thiếu thông tin về ESG; Thiếu các chương trình về giới thiệu và đào tạo ESG; Chưa có chính sách cụ thể từ Chính phủ về ESG.

Trước thực tế này, từ hai năm qua, dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) đã triển khai sáng kiến ESG Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam đón đầu các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội tốt để doanh nghiệp biến việc thực hành ESG thành lợi thế cạnh tranh và tạo ra những giá trị mới cho doanh nghiệp. Năm 2023 và 2024, mỗi năm có gần 150 doanh nghiệp đăng ký tham gia sáng kiến ESG Việt Nam và đã có 7 doanh nghiệp được tôn vinh, trao giải thưởng.

Bà Trần Thị Thu Phương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần HHP GLOBAL cho biết: “Tháng 3/2023, chúng tôi biết đến Sáng kiến ESG Việt Nam và đăng ký tham gia vì ESG rất phù hợp với hướng phát triển của công ty chúng tôi. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2023, chúng tôi được dự án IPSC đào tạo chuyên sâu. Chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc hai tháng liền và học được rất nhiều về thực hành ESG, được định hướng bài bản, nhìn rõ con đường, xây dựng chiến lược phát triển bền vững, không còn thực hành ESG tự phát như trước đây. Tôi rất biết ơn Chương trình này, cảm thấy có điểm tựa và được truyền cảm hứng rất nhiều. HHP GLOBAL đã xuất sắc là 1 trong 3 công ty được trao giải tại Sáng kiến ESG Việt Nam 2023. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ dự án IPSC, chúng tôi quyết tâm sẽ biến thành hiện thực tất cả những gì chúng tôi cam kết trong lộ trình thực hiện ESG”.

a3.jpg
Sáng kiến ESG Việt Nam 2025

2025 là năm thứ ba liên tiếp Sáng kiến ESG Việt Nam được tổ chức. Với chủ đề “Quản trị vững vàng – Tương lai bền vững”, Sáng kiến ESG Việt Nam 2025 tiếp tục hướng tới mục tiêu thúc đẩy doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và triển khai thực hành khung đánh giá ESG.

Các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã và hộ kinh doanh có dự định và cam kết hành động để triển khai ESG, chuyển đổi hoặc mở rộng mô hình kinh doanh bền vững có thể đăng ký tham gia chương trình trước 17h ngày 30/11 tại địa chỉ https://bit.ly/dangky-esg-2025./.

Đan Thanh