Còn nhiều băn khoăn về thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại
Đồng tình với việc cần thiết ban hành Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên, không ít ý kiến còn bày tỏ băn khoăn về một số đề xuất...
Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tại phiên họp sáng 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai hoan nghênh những tiếp thu, chỉnh lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đại biểu, việc xem xét và thông qua Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là giải pháp cần thiết để tạo động lực khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Liên quan đến phạm vi thí điểm, đại biểu hoàn toàn nhất trí với đề xuất thí điểm trên toàn quốc nhưng không áp dụng đại trà, chung chung, mà cần có những quy định rõ ràng về khu vực nào, dự án nào sẽ được áp dụng Nghị quyết? Bởi, theo như Điều 3 hoặc Điều 4 Dự thảo Nghị quyết thì việc áp dụng tập chung vào khu vực đô thị, đã có quy hoạch.
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, đại biểu cho rằng, cần có những cân nhắc, tính toán thêm. Cụ thể, sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu tại tổ, Điều 1 Dự thảo Nghị quyết đã được cơ quan soạn thảo tách ra thành: phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, thế nhưng, trong đối tượng áp dụng lại có khoản 2 Điều 2 nói về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh bất động sản, trong khi khoản 3 Điều 3 cũng có điều khoản áp dụng với tổ chức kinh doanh bất động sản…
Do vậy, để tránh tạo sự trùng lặp và không đúng với đề mục các Điều đưa ra, đại biểu đề nghị, có thể tách nội dung về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh bất động sản ra thành một điều khoản riêng, cùng với các điều kiện, tiêu chí được quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở...
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, Điều 3 và Điều 4 cũng đều có các quy định về tiêu chí, điều kiện phạm vi áp dụng thí điểm, nếu được thì cũng nên gộp 2 Điều này để tạo sự thống nhất, tránh việc phải phân định thế nào là tiêu chí, thế nào là điều kiện với các cách hiểu khác nhau sẽ dẫn đến việc khó áp dụng…
“Ngoài ra, về thí điểm liên quan đến đất quốc phòng an ninh, việc này được quy định rõ tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở,… tôi hoàn toàn đồng ý nên cho thí điểm. Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai phải có phê duyệt danh mục, nếu giao cho Bộ Công an hay Bộ Quốc phòng triển khai cũng cần thông qua Danh mục và cũng cần áp dụng theo các điều khoản chung, sắp xếp các tài sản công theo Luật Đất đai, Luật Nhà ở,…”, đại biểu góp ý.
Đồng thời bày tỏ, Nghị quyết được thông qua nên có những nguyên tắc cụ thể, rõ ràng, để từ đó tạo ra một thị trường bất động sản lành mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tránh tình trạng sốt đất, hay tạo ra các hành vi vi phạm pháp luật.
Tham gia góp ý Dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phan Đức Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng bày tỏ những băn khoăn quy định về 30% diện tích đất tăng thêm là như thế nào?
Bên cạnh đó, về tính khả thi, theo đại biểu, trong Dự thảo Nghị quyết nhắc nhiều đến dự án, tuy nhiên, dự án là rất rộng và chung chung, do đó, cần làm rõ dự án ở đây là dự án nào, tránh tạo ra những tranh cãi, thiếu công bằng khi đưa vào áp dụng. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể.
Ngoài những nội dung đã nêu, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng bày tỏ băn khoăn liên quan đến quy định về đất quốc phòng an ninh.
Theo đại biểu, đây là thí điểm làm nhà ở thương mại, không phải nhà ở xã hội… vì vậy sẽ không hạn chế bất cứ loại hình nào và không riêng lực nào, cho nên, để tạo sự đầy đủ, toàn diện thì cần tách riêng thành một Nghị quyết.
Liên quan đến quy định về thí điểm đối với đất quốc phòng an ninh, tại hội trường, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đưa ra các đề xuất góp ý cho cơ quan soạn thảo.