Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Chính sách phải khuyến khích, thu hút đầu tư
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp ý Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nhiều ý kiến cho hay, chính sách phải tập trung khuyến khích, thu hút đầu tư…
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, gồm 4 Chương và 20 Điều. Nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) quy định về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, ưu đãi thuế, và các chính sách thuế cho kinh tế... đây được cho là nền tảng quan trọng để Việt Nam không chỉ phát triển bền vững mà còn hòa nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu trong tương lai.
Không chỉ có vậy, Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này cũng mở rộng danh sách các khoản thu nhập được miễn thuế để thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề mang lại giá trị cao cho xã hội. Các chính sách ưu đãi thuế luôn là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tái đầu tư, đặc biệt là các ngành giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường – những lĩnh vực đang cần sự phát triển và đầu tư lâu dài.
Theo đó, một số khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ carbon lần đầu sau khi phát hành, góp phần khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động giảm phát thải, bảo vệ môi trường; Thu nhập từ trái phiếu xanh và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau phát hành, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bền vững và thân thiện với môi trường; Khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; Khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định pháp luật, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong các trường hợp đặc biệt;...
Nhìn nhận về Dự thảo Luật này, không ít ý kiến cho hay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, xu hướng giảm thuế để kích thích đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp là lựa chọn của nhiều quốc gia. Vì vậy, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cần được tiếp cận theo hướng không chỉ đơn giản hóa thủ tục, mà còn cần điều chỉnh mức thuế suất phù hợp với từng ngành nghề và nhóm đối tượng doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng mức thuế suất linh hoạt không chỉ giúp Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế mà còn khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tái đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt là trong các ngành công nghệ, năng lượng xanh và các lĩnh vực mới nổi.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ lần hai về Dự án Luật này trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Quang Mạnh cho hay, các nội dung được Cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi, hoàn chỉnh là chưa toàn diện; Dự thảo Luật mới lược bỏ một phần các nội dung dự kiến luật hóa từ các văn bản dưới luật; một số sửa đổi khác không làm thay đổi nội dung chính sách, chủ yếu là giao thẩm quyền cho Chính phủ và chỉnh lý văn bản.
Dự thảo Luật sau chỉnh lý vẫn còn nhiều điều khoản đang được luật hóa quy định của văn bản dưới luật và không có giải trình về tính phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.
Ngoài ra, các nội dung quy định về ưu đãi thuế rất chi tiết và phức tạp với nhiều mức độ ưu đãi khác nhau, về thuế suất, về thời gian miễn, giảm, về các trường hợp kéo dài ưu đãi, về tiêu chí điều kiện hưởng ưu đãi... các đối tượng áp dụng Luật khó có thể tự chứng minh, tự xác định việc đáp ứng điều kiện để thực hiện tự khai, tự tính thuế cũng như khả năng thực hiện hậu kiểm của cơ quan quản lý.
Theo ông Lê Quang Mạnh, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là vấn đề then chốt của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trước tiên, đây là chính sách quan trọng để khuyến khích, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, tình hình mới với các làn sóng cạnh tranh, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong khu vực và toàn cầu.
Vì vậy, Chính phủ cần hoạch định các chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp một cách rõ ràng và tổng thể, tạo cơ sở vững chắc để thể hiện trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng như các Luật chuyên ngành khác đang được thảo luận một cách nhất quán…
Bên cạnh đó, về tính khả thi đối với một số quy định của Dự thảo Luật, ông Lê Quang Mạnh cho hay, các khoảng trống về pháp luật trong Dự thảo Luật vẫn chưa có phương án giải quyết để bảo đảm tính khả thi của chính sách, bao gồm các nội dung về: việc đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử;
Việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập nhận được từ nguồn gốc Việt Nam từ chuyển nhượng vốn, dự án đầu tư, quyền góp vốn... các quy định về điều kiện để được hưởng các ưu đãi thuế đặc biệt, thẩm quyền quy định các mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đặc biệt cụ thể. Các nội dung khác về các biện pháp chính sách thu hút đầu tư trong bối cảnh, điều kiện mới chưa được giải quyết và chưa được Cơ quan soạn thảo giải trình.
Được biết, sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tại phiên họp ngày 22/11, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình và báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.