Chuyển đổi số

Quảng Ninh: Hạ tầng số đi trước một bước phục vụ chuyển đổi số

Hải Ngân 22/11/2024 00:10

Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, tập trung xây dựng hạ tầng số, từng bước phục vụ chuyển đổi số toàn diện.

47.jpg
Việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, buôn bán tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp

Tập trung xây dựng hạ tầng số

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc Việt Nam. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, tỉnh Quảng Ninh đã đi trước, đón đầu, tập trung xây dựng hạ tầng số, từng bước hiện đại phục vụ chuyển đổi số.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Quảng Ninh là một trong các địa phương điển hình về phát triển hạ tầng số. Hiện, tỉnh Quảng Ninh không còn vùng lõm sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn.

Ông Đặng Xuân Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 6.100 trạm phát sóng di động, hạ tầng Internet băng thông rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn. 100% dân số được phủ sóng mạng thông tin di động. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,8%, số thuê bao điện thoại đạt tỷ lệ 1,3 thuê bao/người. Tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình có kết nối cáp quang đạt 89,13%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 75,39%.

Được biết, với quan điểm hạ tầng số cần được phát triển đi trước một bước, việc xây dựng hạ tầng số đã được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng năm, từng giai đoạn, được lồng ghép vào các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng coi phát triển hạ tầng số, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông. Từ đó, tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm đếm, đánh giá kết quả.

46.jpg
Tỷ lệ dân số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được phủ sóng Internet đạt 100%

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, xây dựng hạ tầng tại địa phương, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Theo ông Tạ Tiến Quang - Trưởng phòng Kỹ thuật Mobifone Quảng Ninh, hiện chính sách đầu tư hạ tầng viễn thông đã có những bước tiến tích cực, giúp phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng mạng viễn thông trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng về kết nối và công nghệ. Các chính sách này hỗ trợ đáng kể cho việc triển khai các mạng 4G, 5G, và tạo nền tảng cho các ứng dụng IoT, AI, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số quốc gia.

Phát triển mạnh kinh tế số

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể ở cả 3 trục chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh xác định quan điểm người dân, doanh nghiệp luôn là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số, thụ hưởng những tiện ích chuyển đổi số đem lại.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu và quyết tâm đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm.

Tỉnh này cũng đề mục tiêu đạt tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%. Đồng thời, tỉnh phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó, ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. Tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%. 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số.

45.jpg
Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh với giao diện hiện đại, thuận tiện cho việc mua sắm của người tiêu dùng

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, trên 60.000 tài khoản doanh nghiệp, gần 802.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ. Ngoài ra, 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. 100% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử. Hơn 2.300 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. 100% số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh được phổ cập chữ ký số.

Theo ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tiến, từ khi hợp tác xã thay đổi hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng online, đơn hàng của đơn vị đã tăng đáng kể so với trước đây. Thương mại điện tử cũng giúp đơn vị tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí không chính thức, giúp nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, tạo sức cạnh tranh mạnh cho sản phẩm trên thị trường.

Ông Đặng Xuân Phương - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 35% GRDP của tỉnh.

Hải Ngân