Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng tới phát triển bền vững
Với đà tăng tưởng kinh tế mạnh mẽ, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số sẽ tiếp tục phát triển hơn và trở thành động lực phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.
Tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương năm 2024 với chủ đề “thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững”, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, kinh tế toàn cầu hiện trong giai đoạn bắt đầu phục hồi sau thời kỳ khó khăn kéo dài, các hoạt động dịch vụ đang trên đà sôi động trở lại và tăng cao hơn so với khu vực công nghiệp.
Nhiệm vụ chiến lược trọng yếu và cấp bách
Đến tháng 9/2024 đa số các tổ chức quốc tế đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế của năm 2024, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 3,2%. Tương tự, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng năm 2024 cao hơn 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm.
Cũng theo Thứ trưởng Hoài, trong những năm qua, Bộ Công thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công thương; thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp-năng lượng và dịch vụ logistics.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số được xem như một nhiệm vụ chiến lược trọng yếu và cấp bách để nâng cao năng lực sản xuất chất lượng, hiệu quả cạnh tranh trong toàn ngành Công thương. Chuyển đổi số giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cũng như đối với phát triển xanh và bền vững.
Xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số
Từ phía doanh nghiệp cung cấp nền tảng số đa dịch vụ, bà Đặng Thuỳ Trang – Giám đốc đối ngoại Grab Việt Nam nhấn mạnh những lợi ích cơ bản mà các nền tảng số như Grab có thể tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Trong đó, Grab sử dụng các tính năng của công nghệ đóng góp cho cộng đồng. Ví dụ như, Grab đã có một chương trình hợp tác với bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và liên minh Hợp tác xã Việt Nam để triển khai GrabConnect - Hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá nông sản, tập huấn cho các Hợp tác xã, Doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số.
Bên cạnh đó, đại diện Grab Việt Nam chia sẻ, với rất nhiều quy định hiện hành về quản lý thương mại điện tử trong thời gian tới, doanh nghiệp mong rằng các cơ quan nhà nước có thể cân nhắc xây dựng chính sách theo lối kiến tạo để chuyển đổi số có thể tiếp tục là động lực đóng góp cho phát triển nền kinh tế số của đất nước theo hướng bền vững và có lợi cho tất cả các bên.
Với ngành dệt may, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cho biết hiện nay ngành dệt may đã ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 vào trong sản xuất, như nhà máy dệt may thông minh sử dụng thiết bị kỹ thuật số kết nối toàn bộ nhà máy qua IoT; dây chuyền sản xuất sơ mi 100% kết hợp người-máy...
Hiện nay, tỷ lệ các nhà sản xuất dệt may sẵn sàng tích hợp công nghệ số: 35% tích hợp IoT; 42% điện toán đám mây; 18% áp dụng chuỗi khối; 27% sử dụng nền tảng quản lý dữ liệu.
Nhưng thách thức lâu dài với ngành, đó là khi Ủy ban Châu Âu đang đẩy mạnh sáng kiến Hộ chiếu số cho sản phẩm dệt may (là một phần của Thỏa thuận Xanh Châu Âu). Sáng kiến này nhằm thúc đẩy sự minh bạch hóa dữ liệu liên quan đến sản phẩm dệt may trong suốt vòng đời sản phẩm.
Ông Hiệp cũng kiến nghị, cần có các giải pháp ứng dụng hộ chiếu số vào ngành dệt may Việt Nam. Đó là, tuân thủ các quy định sắp tới của EU đối với sử dụng hộ chiếu số cho sản phẩm dệt may, tổ chức lại sản xuất và quá trình quản lý để có thể tạo ra các sản phẩm xanh hơn, có thể truy vết được toàn bộ vòng đời sản phẩm và hoàn thiện hiệu suất sử dụng nguồn lực đầu vào và giảm thiểu phát thải, lãng phí.
Để làm được điều này, ông Hiệp cho rằng các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực (nhân lực kỹ thuật may, nhân lực sợi dệt) đáp ứng công nghiệp 4.0 thông qua gắn công tác đào tạo tại trường với doanh nghiệp như: doanh nghiệp tham gia xây dựng chuẩn nghề nghiệp, chương trình đào tạo, học liệu, tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập; cử sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp từ năm thứ 2…