Khơi nguồn lực, mở cơ hội phát triển
Với năng lực hiện có, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cao tốc trong nước, trong đó có VEC đủ sức hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc quốc gia.
Trao đổi với DĐDN, ông Kiều Hưng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nhấn mạnh: Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra mục tiêu xây dựng 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, đồng thời khẳng định bước tiến quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao khả năng kết nối vùng miền và tăng cường hội nhập quốc tế.
Khẳng định vai trò tiên phong
- Trước con số mục tiêu trên, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cao tốc trong nước đã chuẩn bị thế nào đón nhận cơ hội, thưa ông?
Những năm gần đây, qua quá trình triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông nói chung và đường bộ cao tốc nói riêng, nhất là các dự án trọng điểm cho thấy, các doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực kỹ thuật, cải tiến quy trình quản lý và áp dụng công nghệ tiên tiến vào thi công.
Cụ thể, các doanh nghiệp trong nước luôn chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia và công nhân xây dựng có tay nghề cao, đào tạo bài bản, kinh nghiệm thực tiễn qua triển khai các dự án lớn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về quy mô và độ khó đối với các dự án phức tạp. Các công ty dành nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp hệ thống máy móc, công nghệ cao nhằm đảm bảo hiệu quả và chất lượng thi công; củng cố năng lực tài chính thông qua việc mở rộng nguồn vốn, hợp tác quốc tế và triển khai các mô hình đầu tư linh hoạt.
Phải khẳng định rằng, năng lực của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cao tốc trong nước hiện nay, trong đó có VEC, hoàn toàn đủ sức đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, nhân lực và vật lực để hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc quốc gia.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu trên, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực công nghệ; tăng cường đào tạo nhân lực; tích cực tìm kiếm các nguồn vốn hiệu quả và phối hợp đồng bộ với các cơ quan, đơn vị có liên quan. Song song với đó, việc cải thiện môi trường pháp lý và sự quan tâm, hỗ trợ chính sách từ Nhà nước cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc tại Việt Nam.
- Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc tại Việt Nam, VEC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất với phương thức hoạt động kinh doanh và vốn điều lệ được giao mang tính đặc thù cao. Vai trò nòng cốt trong tiên phong phát triển xây dựng đường bộ cao tốc đã được VEC thực hiện ra sao, thưa ông?
Tiền thân là Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam với số vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, không ngừng phấn đấu và trưởng thành, VEC đã phát huy vai trò của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác đường bộ cao tốc quốc gia.
Qua đánh giá, đây là mô hình đặc thù đầu tiên trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại Việt Nam, từ huy động vốn đến quản lý đầu tư, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, quản lý khai thác, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và thu phí hoàn vốn.
VEC được xem là mô hình quản lý đầu tư dự án mới thay thế hình thức Ban Quản lý dự án thực hiện các dự án đầu tư do Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư nhằm bảo đảm tính chiến lược dài hạn trong việc quy hoạch, quản lý và xây dựng hệ thống đường cao tốc trên toàn quốc.
Không chỉ có nhiều ưu điểm hơn so với mô hình các Ban Quản lý dự án thông thường, thực tế hoạt động còn cho thấy, VEC khắc phục nhược điểm của mô hình đầu tư công truyền thống và mô hình đầu tư PPP, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và gánh nặng thuế, phí cho người dân.
Đến nay, VEC đã huy động được khoảng 108 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn trong và ngoài nước để đầu tư 05 tuyến đường cao tốc với tổng chiều dài 540 km, bao gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành.
Kể từ khi đưa vào khai thác, các tuyến cao tốc của VEC đã phục vụ an toàn trên 430 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu thu phí đạt trên 33.000 tỷ đồng; giúp tiết kiệm thời gian lưu thông, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các địa phương dọc tuyến nói riêng và phục vụ phát triển vùng miền nói chung.
Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ nội lực
- Từ khi đi vào hoạt động, nhiều cơ chế, chính sách đã được bổ sung, sửa đổi nhưng vốn điều lệ của VEC vẫn không thay đổi. Thực tế này đang “kìm hãm” các cơ hội và “trói buộc” hoạt động của doanh nghiệp thế nào, thưa ông?
Hiện vốn điều lệ của Công ty mẹ - VEC là 1.115 tỷ đồng tương đối thấp so với quy mô đầu tư các dự án đường cao tốc khoảng 108.865 tỷ đồng khiến Tổng công ty khó khăn trong huy động vốn để đầu tư các dự án mới. Đặc biệt là các nguồn vốn có chi phí sử dụng vốn thấp từ nguồn vốn vay thương mại, phát hành trái phiếu công trình, không đảm bảo cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn VEC thực hiện khấu hao tài sản.
Trong khi với bản chất mô hình VEC, vốn điều lệ phải được điều chỉnh tăng dần theo quy mô đầu tư các tuyến đường cao tốc thông qua cơ chế chuyển phần vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các dự án thành vốn đầu tư vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp mới có tiềm lực để tiếp tục đầu tư, phát triển, mở rộng các tuyến đường cao tốc và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao.
Vì vậy, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC là cần thiết và cấp bách, thực hiện đúng chủ trương, nhiệm vụ được giao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đảm bảo hoàn thành Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
- Để đảm bảo tài chính cho thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc, VEC có đề xuất, kiến nghị gì trong việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực?
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết và các văn bản chỉ đạo, thống nhất chủ trương tăng vốn điều lệ cho VEC trên cơ sở nguồn vốn vay được Quốc hội chuyển từ vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước cho 05 dự án của VEC.
Vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có Tờ trình Chính phủ, xem xét, chấp thuận báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỷ đồng. Trong đó, 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp và 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước đã giải ngân đầu tư xây dựng 05 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư.
Nếu phương án tăng vốn điều lệ được chấp thuận và tài sản của VEC là 5 tuyến đường cao tốc đang quản lý được tính thành vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, VEC sẽ đủ điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính. Đây là động lực thúc đẩy mạnh mẽ nội lực và các mục tiêu tăng trưởng, mở ra tương lai đầy tươi sáng cho doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước duy nhất trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc tại Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!