Đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch từ du lịch nông thôn
Vùng nông thôn đang nhận được sự chú ý của khách du lịch quốc tế và sản phẩm góp phần đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam.
Sáng ngày 22/11, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo về Hội nghị quốc tế về Du lịch Nông thôn lần thứ nhất sẽ tổ chức vào ngày 10/12. Hội nghị nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng và những đóng góp của du lịch trong việc thúc đẩy phát triển nông thôn.
Trong đó, tập trung vào các chính sách cấp quốc gia và địa phương thúc đẩy du lịch phát triển nông thôn, thu hút sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch và phát triển sản phẩm du lịch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các điểm đến nông thôn. Qua đó, thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, định hướng phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương,...
Thông tin từ Bộ VH-TT&DL, Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn với diện tích rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, văn hóa, ẩm thực. Hoạt động du lịch nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, tuyến điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần da dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam.
Cùng với đó, hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, phát triển du lịch nông thôn đang được quan tâm, thúc đẩy khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 82/NQ-CP 2023 của Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Chương trình Phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024 - 2030.
Ông Hồ An Phong – Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cho hay nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam rất giàu tài nguyên, nhiều giá trị, có nhiều di sản của nhân loại. Cùng với đó, vị này cũng nhận định nông thôn Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để làm du lịch, hiện nay khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không chỉ trải nghiệm các khách sạn 5 sao mà còn muốn trải nghiệm văn hóa làng quê Việt Nam.
Ông Phong cũng cho rằng hiện nay đa số dân cư Việt Nam đều tập trung ở vùng nông, phát triển du lịch sẽ giúp người dân thay đổi cuộc sống, cải thiện bộ mặt nông thôn, cải thiện GDP, xóa đói giảm nghèo,... Và du lịch sẽ đưa các di tích đến gần hơn với du khách, góp phần quảng bá, bảo tồn di tích và tạo nên sức hấp dẫn cho điểm đến.
“Du lịch nông thôn có dư địa lớn, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đặc biệt. Và Hội nghị sẽ là một kênh giới thiệu con, người đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế cũng như là giới thiệu thương hiệu Hội An, Quảng Nam, thu hút thêm khách du lịch, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trong mắt cộng đồng du lịch thế giới. Và du lịch nông thôn vẫn đang phát triển, len lỏi khắp nơi, trong đó văn hóa là “linh hồn” của du lịch còn du lịch là “đôi cánh” của văn hóa”, ông Phong nhận định.
Thông tin từ Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, năm 2024 du lịch Việt Nam có bước phát triển rất ấn tượng, đã tổ chức 2 sự kiện du lịch lớn và nhiều Chỉ thị quan trọng tác động đến du lịch nông thôn. Nhờ các chính sách đồng thuận, du lịch đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, khả năng năm 2024 Việt Nam có thể đón 17 triệu lượt khách quốc tế.
Về việc tổ chức Hội nghị tại Quảng Nam, ông Phong cho rằng đây là địa phương sở hữu nhiều giá trị về thiên nhiên, văn hóa, con người đặc sắc trong con đường di sản miền Trung. Ở đây đã hình thành một cộng đồng du lịch từ rất lâu và nhận thức của người dân đã hình thành từ rất sớm, từ đó phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc biệt.
“Quảng Nam cũng đã có nhiều kết quả tích cực, thành công trong việc phát triển du lịch nông thôn, phát triển theo hướng rất bền vững, đặc biệt là tại Hội An. Quảng Nam cũng có kinh nghiệm để tổ chức các Hội nghị quốc tế, có tiềm năng phát triển du lịch, thu hút nhà đầu tư, có sân bay, có làng nghề nổi tiếng,...”, ông Hồ An Phong nói thêm.
Ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam cho biết đến nay đã có 25 quốc gia đăng ký tham gia Hội nghị lần này. Đồng thời, sự kiện cũng đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia, tổ chức, cộng đồng quốc tế khác.
Ở góc độ địa phương đăng cai tổ chức, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Chỉnh phủ trước đó đã rất nỗ lực để đưa Hội nghị về tổ chức tại Việt Nam, đặc biệt sau đó chọn Quảng Nam là một cơ hội lớn cho địa phương. Từ đây, Quảng Nam sẽ có cơ hội quảng bá điểm đến, sản phẩm của địa phương, cũng như xúc tiến du lịch,...
“Quảng Nam hiện có 126 điểm du lịch nông nghiệp nông thôn, điển hình riêng rừng dừa Bảy Mẫu thì 1 năm thu 27 tỉ đồng, nếu như tất cả các điểm đến đều phát triển tốt thì du lịch Quảng sẽ phát triển vượt bậc. Và như thống kê, cứ 4 khách đến Việt Nam thì hơn 1 khách đến Quảng Nam, điều này cho thấy du lịch Quảng Nam đang có sức hút lớn, và du lịch nông thôn Quảng Nam cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể. Hy vọng qua Hội nghị sắp tới thì du lịch nông thôn Quảng Nam sẽ càng phát triển hơn”, ông Bửu kỳ vọng.
Đến nay, UN Tourism đã xây dựng Mạng lưới Làng Du lịch Tốt nhất gồm 354 thành viên, gồm các làng du lịch nhận giải thưởng Làng Du lịch Tốt nhất qua 04 năm tổ chức giải thưởng (2021-2024) và các làng được tham gia vào Chương trình nâng cấp. Việt Nam đã có 03 làng được công nhận là Làng Du lịch Tốt nhất của UN Tourism gồm Làng Thái Hải (tỉnh Thái Nguyên, 2022), Làng Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình, 2023) và Làng rau Trà Quế (tỉnh Quảng Nam, 2024).