Áp thuế VAT 5% với phân bón: Sẽ giảm giá thành, tăng thu ngân sách
Việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón được các chuyên gia nhận định sẽ giảm giá thành, tăng thu ngân sách. Cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi…
Như đã thông tin, theo chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/11/2024, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là đề xuất áp thuế đối với mặt hàng phân bón và nếu áp thuế sẽ ở mức bao nhiêu?
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ có tác động đến thị trường phân bón, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và đặc biệt là người nông dân - những người sử dụng mặt hàng này.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên thường trực Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, cần chuyển đổi áp thuế VAT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.
Theo ông Được, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT sẽ gây ra nhiều bất cập. Bởi lẽ, thuế VAT đầu vào không được khấu trừ và phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, làm giảm lợi nhuận, buộc họ phải cộng tiền thuế VAT đầu vào không được khấu trừ đã tính vào chi phí trong giá sản phẩm bán ra. Như vậy, người nông dân gián tiếp phải trả thuế, gây thiệt hại “kép” cho nông dân với phân bón giả, phân bón có giá thành cao, đồng thời có thể dẫn đến Nhà nước thất thu thuế.
Ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phân bón lại có lợi thế không phải chịu thuế VAT ở khâu nhập khẩu đối với bán thành phẩm của phân bón hoặc sản phẩm phân bón. Họ cũng không phải chịu thuế VAT đầu ra nên không bị tác động giảm lợi nhuận do tác động chính sách thuế.
Đồng quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ xót xa khi thấy công nghệ phân bón Việt Nam chưa bắt kịp trình độ thế giới. Vị chuyên gia mong muốn Quốc hội đưa ra quyết định thuế VAT với phân bón chính xác, để từ đó cải thiện chất lượng phân bón, nâng cao giá trị nông sản Việt, để giúp nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế.
Theo ông Thịnh, các quốc gia trên thế giới đều có sự ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ Trung Quốc, nguyên liệu nhập vào cho sản xuất phân bón, thuế nhập khẩu được giảm 50% hoặc bằng 0, thuế GTGT cũng được áp mức thấp, khi xuất khẩu hoàn toàn được Nhà nước hỗ trợ phí lưu kho và hoàn toàn bộ thuế trong nước, nên khi bán sang Việt Nam họ được lời lớn và có thế mạnh cạnh tranh cao.
“Ở Nga hay Mỹ cũng tương tự, do đó, tôi thấy rằng chính sách ưu đãi đúng và trúng cho chính sách thuế VAT là rất cần thiết với sản phẩm phân bón để nông nghiệp Việt Nam được cất cánh. Qua chuyến đi tới vùng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua tôi nhận thấy người nông dân hiện nay sử dụng phân bón cho trồng lúa và cây trồng là chủ yếu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu người nông dân cho biết người nông dân cho rằng hiện nay phân bón Việt Nam chưa đủ cạnh tranh đối với phân bón nước ngoài”, ông Thịnh nhìn nhận.
Chính vì vậy, PGS TS Đinh Trọng Thịnh mong muốn Luật Thuế GTGT sửa đổi chuyển phân bón sang chịu thuế GTGT 5% để chuyển hóa nguồn nâng cao được năng suất chất lượng phân bón, vật tư thiết bị đáp ứng được nhu cầu người nông dân.
Chia sẻ từ góc nhìn doanh nghiệp và bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất này, đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo) cho biết, PVFCCo hoàn toàn ủng hộ đề xuất áp thuế 5%, vì chính PVFCCo cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước đã kiên trì kiến nghị điều này từ nhiều năm nay.
Đại diện PVFCCo cũng cho rằng, việc áp thuế VAT 5% chắc chắn sẽ làm giá thành phân bón nhập khẩu tăng lên, vì phải chịu thêm thuế. Trong khi đó, giá bán phân bón trong nước sẽ giảm xuống. Do sản xuất trong nước đáp ứng tới 70% nhu cầu, nên việc này tính trên tổng thể là có lợi cho nông dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón từ nguyên liệu, vật tư, dịch vụ trong nước, theo lãnh đạo PVFCCo: “Tỉ trọng chi phí đầu vào khá cao, lên tới 70 - 80% giá bán ra chưa chịu thuế VAT, và phần này phải chịu thuế VAT 10%, tương đương khoảng 7 - 8% giá bán chưa thuế. Khi không áp thuế VAT thì khoản thuế VAT đầu vào này phải cộng vào chi phí, và chính nông dân phải gánh khoản thuế này”.
Phân tích rõ hơn, lãnh đạo PVFCCo nêu ví dụ: “Nếu chi phí đầu vào là 80 đồng, thì thuế VAT đầu vào 10% là 8 đồng. Doanh nghiệp dự định bán sản phẩm với lợi nhuận 20 đồng, cộng với chi phí sản xuất 80 đồng, tổng là 100 đồng. Doanh nghiệp phải cộng thêm 8 đồng thuế đầu vào, thành 108 đồng. Đây là giá bán tới người nông dân, gồm 100 đồng (phần của doanh nghiệp) + 8 đồng (phần của Nhà nước).
Nếu áp thuế VAT 5%, doanh nghiệp được Nhà nước trả lại khoản thuế VAT đầu vào 8 đồng kia, và Nhà nước chỉ thu khoản thuế VAT 5%, tương đương 5 đồng (trên giá bán chưa thuế VAT 100 đồng) từ nông dân. Như vậy lúc này giá bán tới người nông dân là 100 đồng (phần của doanh nghiệp) + 5 đồng (phần của Nhà nước) = 105 đồng, ít hơn so với giá bán 108 đồng khi không áp thuế VAT.
Trong cả hai trường hợp, phần của doanh nghiệp không thay đổi, chỉ thay đổi phần thuế VAT mà Nhà nước thu từ nông dân”, đại diện PVFCCo phân tích.
Từ những phân tích trên, lãnh đạo PVFCCo nhận định, nếu đề xuất nói trên được Quốc hội thông qua thì đó là điều rất tốt cho cả nông dân, doanh nghiệp sản xuất trong nước, và cả Nhà nước. Việc này sẽ xóa đi sự bất cập trước đây, lập lại sân chơi bình đẳng cho hàng trong nước và hàng nhập khẩu.