Phân tích - Bình luận

Tài chính khí hậu có nguy cơ bất ổn

Trương Khắc Trà 25/11/2024 11:07

Thế giới có thể đối mặt với một “kỷ nguyên bất ổn mới” về các cam kết tài chính khí hậu của Mỹ sau chiến thắng ông Donald Trump.

cop 29
Tại Hội nghị COP29, các nhà lãnh đạo thế giới nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu...

Ông Donald Trump đã nói rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ lại rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về Khí hậu.

Chia rẽ sâu sắc

Vào năm 2009, các nước giàu đã cam kết tài trợ mỗi năm 100 tỷ đô la Mỹ cho các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lược sạch, chống biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ này sẽ kết thúc vào cuối năm 2024. Vậy chặng đường tiếp theo sẽ ra sao?

Đại diện gần 200 quốc gia dự Hội nghị lần 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) tại Azerbaijan đã thảo luận về mức tài chính cao hơn cho các dự án khí hậu trên toàn thế giới trong tương lai. Tuy nhiên, đã có nhiều quan điểm khác nhau.

Phía các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, mong muốn mức tài chính lên đến 1,3 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đến năm 2035, dùng để triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bù đắp tổn thất và thiệt hại tại các nước đang phát triển; đồng thời bác bỏ quan điểm coi khoản tài chính này là hoạt động từ thiện.

Trong khi nhóm các quốc đảo đề nghị mức tối thiểu 39 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, thì nhóm các nước kém phát triển mong muốn được 220 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Nhìn chung, nhu cầu rất cao, nhưng nguồn chi có dấu hiệu bị hạn chế. Các ngân hàng đa phương đã giải ngân vượt dự báo, riêng năm 2024 đã tăng thêm 25%.

Ông John Nordbo, Cố vấn khí hậu cấp cao nói: “Các quốc gia giàu có tiếp tục từ chối đóng góp tài chính cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Trên thực tế, họ đang muốn chuyển gánh nặng sang những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Ông Donald Trump tái đắc cử có thể gây áp lực trực tiếp đến nhiều chính sách liên quan đến khí hậu, ví dụ như hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, giảm phát (IRA); cắt giảm chi tiêu chính phủ Mỹ; yêu cầu các nước khác phải chi nhiều hơn,…

Ông Trump có thể rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về Khí hậu, thậm chí ngừng tham gia Công ước Khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Nếu như vậy, những khoản tài trợ trước đây của Mỹ cho biến đổi khí hậu sẽ không còn.

Những hệ lụy nhãn tiền

Tài chính khí hậu gây ra thêm nhiều mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Điều này gián tiếp làm giảm triển vọng giải quyết sớm nhiều điểm nóng rất cấp bách trên toàn cầu.

Khối BRICS chỉ trích các quốc gia phát triển vì cố gắng làm phai mờ các cam kết của họ theo Thỏa thuận Paris về Khí hậu bằng cách chuyển các nghĩa vụ bổ sung tài chính sang các nền kinh tế mới nổi. Ấn Độ, đại diện cho khối G-77, đã yêu cầu các quốc gia giàu có hơn phải chịu trách nhiệm về các cam kết tài chính chưa thực hiện.
Bà Cosima Castle, thành viên nhóm ngoại giao khí hậu của E3G, chỉ ra rằng các nước G20 với tư cách là những quốc gia phát thải lớn nhất, chịu trách nhiệm cho 80% lượng khí thải toàn cầu tại 85% nền kinh tế thế giới, hiện nắm giữ “chìa khóa” để mở ra các thỏa thuận khí hậu đầy tham vọng.

Nếu tài chính khí hậu bị đình trệ tại COP29, các quốc gia đang phát triển có nguy cơ không đảm bảo được nguồn tài chính dài hạn để khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là gánh nặng cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương vốn đang phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu.

Bất bình đẳng sẽ nới rộng thêm khoảng cách. Bởi vì các nước đang phát triển không thể có đủ nguồn lực để tham gia cuộc chơi “xanh hóa” toàn cầu. Không hẳn nhiên mà Ấn Độ đã lên tiếng phản đối các rào cản thương mại “phi thuế quan” phân biệt đối xử liên quan đến khí thải carbon.

Đối với Việt Nam, nếu tài chính khí hậu bị đình trệ, nhiều dự án, chương trình chống biến đổi khi hậu có thể sẽ không được triển khai, ví dụ các dự án chống xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến năng suất ngành nông nghiệp - trụ đỡ quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam.

Nhưng vấn đề nan giải hơn là làm sao để đáp ứng tiêu chuẩn xanh đối với một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam? Một khi hàng hóa không được sản xuất từ nguyên liệu đầu vào đúng tiêu chuẩn do các nước tiên tiến đặt ra, thì sẽ không thể xuất khẩu.
Tựu trung lại, vấn đề tài chính khí hậu đang phản ánh sâu sắc mâu thuẫn địa chính trị hiện nay. Đó là mâu thuẫn giữa hai luồng xu hướng phát thải và giảm phát thải; giữa các nước giàu và các nước nghèo.

Trương Khắc Trà