24h

Cần bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và điều hoà

Khôi Nguyên 23/11/2024 04:00

Xăng dầu, điều hoà là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của đa số người dân. Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này là bất hợp lý, “thuế chồng thuế”…

Theo đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là một trong 12 luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025. Trong đó, vấn đề bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu và máy điều hoà nhiệt độ được dư luận hết sức quan tâm.

Về vấn đề này, sáng 22/11, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Đóng góp ý kiến về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị cân nhắc việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và máy điều hòa nhiệt độ.

can-bo-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-va-dieu-hoa-1.jpg
Nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị cân nhắc việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và máy điều hòa nhiệt độ. Ảnh minh hoạ

Trong thực tế, từ nhiều năm qua, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng bởi đây là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng lớn đến đầu vào trong sản xuất kinh doanh, không phải là hàng xa xỉ.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhắc lại quan điểm này và đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng và máy điều hoà. VCCI chỉ ra với xăng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ môi trường sẽ trùng mục tiêu với thuế bảo vệ môi trường đang áp lên mặt hàng này.

Đối với điều hoà nhiệt độ, VCCI cho biết, mặt hàng này đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và được giảm xuống 10% vào năm 2008. Trước đây, điều hoà nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay, điều hoà nhiệt độ đã trở thành sản phẩm thiết yếu trong công việc và cuộc sống. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi nước ta có định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Phạm Thế Anh cho biết, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng xăng không còn phù hợp vì đây không phải là mặt hàng xa xỉ. Còn nếu xét về gây ô nhiễm môi trường, thì xăng dầu đã chịu thuế bảo vệ môi trường lâu nay. Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm.

Thế nhưng, lấy cơ sở để áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường là chưa đúng, chưa chuẩn về cơ bản vì hiện nay nước ta chưa có giải pháp thay thế nguồn nhiên liệu này. Hơn nữa, không thể nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu để tính thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi đã phải chịu thuế bảo vệ môi trường vì sắc thuế này chỉ áp dụng với những hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng. Thế nên, không có lý do gì để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, kể cả khi giá xăng giảm về mức dưới 20.000 đồng/lít, hay trên 30.000 đồng/lít.

can-bo-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-va-dieu-hoa-2.jpg
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu và điều hoà nhiệt độ là bất hợp lý, khiến “thuế chồng thuế”. Ảnh minh hoạ

Với mặt hàng điều hoà nhiệt độ, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, điều hoà nhiệt độ hiện tại không còn thuộc nhóm hàng xa xỉ mà đã là vật dụng quen thuộc của mỗi gia đình, vì vậy, vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc gỡ bỏ mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, hoặc phân nhóm cụ thể để áp dụng thuế, thay vì mức chung như hiện tại.

Phân tích rõ hơn, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng áp từ năm 1995, máy điều hòa từ năm 1998, đến nay đã kéo dài 25 - 30 năm trong khi kinh tế có quá nhiều thay đổi và các lập luận đưa ra để giữ đều không thuyết phục.

"Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng là vô lý vì xăng đã gánh thuế bảo vệ môi trường rồi và không thể coi xăng như rượu bia, thuốc lá được. Vô lý thứ 2 là hiện doanh nghiệp và người dân đang khó khăn nhiều. Năng lực cạnh tranh về giá của doanh nghiệp rất yếu do chi phí đầu vào tăng cao. Thuế, phí đang chiếm 17 - 20% trong giá xăng dầu là rất cao. Nếu nói phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ nguồn thu thì trong thực tế, chính sách giảm thuế phí giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh rất lớn, song song đó giúp người tiêu dùng tăng chi tiêu do được mua hàng hóa với giá cả hợp lý hơn.

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt giúp kích cầu, doanh nghiệp sẽ tăng sản xuất, lợi nhuận tăng… giúp nộp thuế tăng, như vậy, ngân sách có lợi hơn so với trước. Đó cũng là chính sách khoan sức dân, sức doanh nghiệp mà chúng ta thường đề cập. Tương tự, mặt hàng điều hòa, nếu dùng nhiều, chúng ta đã có chính sách giá tiền điện theo bậc thang, sử dụng điện nhiều, trả tiền điện đắt hơn, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng này cũng là thuế chồng thuế", ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.

Khôi Nguyên