Cần hoàn thiện các tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước
Đánh giá cao nội dung Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện các tiêu chí phân loại doanh nghiệp…
Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở rà soát, đánh giá các hạn chế trong Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Một trong những điểm đột phá quan trọng của Dự thảo là chuyển đổi cách tiếp cận quản lý từ quản lý pháp nhân doanh nghiệp sang quản lý theo dòng vốn đầu tư.
Theo phương thức mới, Nhà nước chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ với vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn, bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được xác định là tài sản của pháp nhân doanh nghiệp, thay vì đồng nhất với tài sản của Nhà nước như cách hiểu trước đây.
Sự thay đổi này được cho sẽ giúp doanh nghiệp có vốn Nhà nước được chủ động hơn trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Các quyết định kinh doanh, đầu tư, huy động vốn sẽ không còn bị phụ thuộc vào cơ quan quản lý Nhà nước mà thay vào đó, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với tư cách một chủ thể kinh tế hoạt động theo nguyên tắc thị trường và các quy định pháp luật doanh nghiệp.
Việc này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn tạo ra môi trường bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân, góp phần nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, Dự thảo Luật nhấn mạnh vào việc phân công, phân cấp mạnh mẽ quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp. Thay vì tập trung quyền quyết định ở Thủ tướng Chính phủ như quy định hiện hành, Dự thảo trao nhiều quyền tự chủ hơn cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn và lãnh đạo doanh nghiệp. Các dự án đầu tư thuộc nhóm A hoặc có tổng mức đầu tư vượt 50% vốn điều lệ sẽ được cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định, trong khi những dự án khác giao doanh nghiệp tự quyết định…
Đồng thời, cũng đề xuất các nguyên tắc mới về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Quá trình sắp xếp, cơ cấu lại vốn được coi là hoạt động thường xuyên tại các doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô trong từng ngành nghề, lĩnh vực.
Một trong những thay đổi quan trọng là loại trừ giá trị các công trình, dự án kết cấu hạ tầng có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh khi chuyển nhượng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai, tránh chồng chéo và gây khó khăn trong quá trình thực hiện…
Với hàng loạt các quy định sửa đổi, bổ sung đã nêu, các doanh nghiệp Nhà nước đang kỳ vọng Dự thảo Luật này sẽ đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, tạo động lực mới để các doanh nghiệp có vốn Nhà nước bứt phá.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật, không ít ý kiến cho rằng, việc thực hiện thoái vốn Nhà nước cần gắn với phương án tăng vốn của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu tài chính của doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đặc biệt, cần xây dựng thể chế, chính sách cho nhóm các doanh nghiệp Nhà nước nòng cốt và mang thương hiệu quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh từ quốc tế như lĩnh vực vận chuyển hàng không, năng lượng, viễn thông… cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án, chương trình hoạt động cụ thể…
Tham gia góp ý về vấn đề này, TS Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đề nghị, cần hoàn thiện các tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn trong giai đoạn sắp tới, đồng thời rà soát, sửa đổi các quy định về quản lý sử dụng vốn Nhà nước, đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp… để đáp ứng yêu cầu phát sinh thực tiễn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mậu - Thành viên HĐTV, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho hay, PVN có nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài nên kỳ vọng Luật mới có quy định phân cấp cho doanh nghiệp được chủ động quyết định các dự án đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo các thủ tục này có thể rút ngắn để tận dụng các cơ hội một cách tốt nhất.
Liên quan đến vấn đề đã nêu, trước đó, tại Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, rà soát lại toàn bộ Dự thảo luật để thể hiện nhất quán những tư tưởng của Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tư tưởng chính là Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của doanh nghiệp.
Được biết, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, hôm nay 23/11, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.