Nghiên cứu - Trao đổi

Bổ sung i-ốt vào thực phẩm: Nên chọn lọc hay phủ toàn diện?

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 23/11/2024 04:30

Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn liên quan đến quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, đặc biệt là i-ốt.

Theo đó, Bộ Y tế mới đây đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm" (Dự thảo). Đáng chú ý, Dự thảo lần này vẫn giữ nguyên quy định bắt buộc "Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm". Đây là nội dung hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

QT2_3644 (1)
Quy định bổ sung i-ốt vào thực phẩm hiện vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia lĩnh vực thực phẩm Vũ Thế Thành bày tỏ băn khoăn khi quy định "bao phủ" i-ốt vào tất cả các loại thực phẩm tiêu dùng trong nước và kiến nghị cần có nghiên cứu cụ thể hơn.

Theo ông Thành, hiện các quốc gia đều có chính sách bổ sung i-ốt, tuy nhiên việc bổ sung này tùy theo tình hình thực tế, trình độ phát triển dân trí và điều kiện kinh tế của mỗi quốc gia. Đơn cử như ở Thái Lan, cơ quan quản lý nước này không bắt tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng muối i-ốt mà chỉ áp dụng cho nước mắm công nghiệp, vì nước mắm này không hoàn toàn sử dụng nguyên liệu từ cá và loại nước này cũng sử dụng màu tổng hợp nên có bổ sung vào thì vẫn không bị ảnh về màu sắc.

"Họ sẽ bổ sung vào thực phẩm nào chứa nhiều muối và nhu cầu người dân sử dụng sản phẩm đó nhiều. Chính sách bao phủ i-ốt không có nghĩa là bắt tất cả các thực phẩm công nghiệp đều phải sử dụng muối i-ốt, bởi nó sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm hoặc sau khi chế biến việc bổ sung không còn ý nghĩa. Ví dụ các loại bánh dùng bột mì như bánh mì, bánh quy... dùng muối bổ sung i-ốt, vì i-ốt có thể tăng cường tính năng của gluten, nhưng cần có thử nghiệm cụ thể với doanh nghiệp sản xuất vì sau gia nhiệt, dư lượng trong thành phẩm phải còn lại đáng kể, nếu không thì sử dụng muối i-ốt vô ích”, ông Vũ Thế Thành chia sẻ.

Chuyên gia này nhấn mạnh, việc bổ sung i-ốt vào thực phẩm là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, không nên sao chép giải pháp “phủ vi chất toàn diện” của nước khác cho Việt Nam. Cần chọn giải pháp nào hợp lý để không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh của doanh nghiệp, quyền lựa chọn của người dùng.

"Hiện nước mắm công nghiệp ở Việt Nam đang chiếm khoảng 75% thị phần cả nước và có thể cân nhắc áp dụng bổ sung i-ốt cho dòng sản phẩm này", ông Vũ Thế Thành chia sẻ.

Ngoài ra, cũng cần có những nghiên cứu về ảnh hưởng của muối i-ốt đối với người bệnh cường giáp. Nếu tất cả các sản phẩm đều có i-ốt sẽ gây ảnh hưởng đến người bệnh đang điều trị. Đồng thời cần phân loại các sản phẩm khuyến khích và sản phẩm hạn chế sử dụng i-ốt. Việc đưa i-ốt vào các sản phẩm chế biến đại trà làm gia tăng chi phí doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá trị cảm quan của các sản phẩm truyền thống gây khó cho doanh nghiệp.

QT1_2561 (1)
Việc bổ sung i-ốt vào thực phẩm là cần thiết cho sức khỏe cộng đồng, tuy nhiên, không nên sao chép giải pháp “phủ vi chất toàn diện” của nước khác cho Việt Nam.

Đồng quan điểm, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị, Dự thảo Tờ trình cần có các căn cứ khoa học đầy đủ hơn để lý giải về việc không sửa đổi quy định bổ sung vi chất, cũng như xem xét kỹ lưỡng dữ liệu về tình trạng thiếu i-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung i-ốt trong tất cả các loại thực phẩm hay không.

Đồng thời đề nghị, nên áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, kinh nghiệm quốc tế để phân loại đối tượng, nhóm người nào và những loại thực phẩm nào cần được bổ sung vi chất. Như vậy, vừa đảm bảo những nhóm có nhu cầu dinh dưỡng sẽ nhận được lợi ích, trong khi những người đã đủ hoặc thừa vi chất không bị ảnh hưởng tiêu cực và không gây hại sức khỏe của nhóm này.

Được biết, trước thông tin cho rằng, quy định muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt có thể dẫn tới nguy cơ cường giáp và những bệnh lý khác do thừa i-ốt, Bộ Y tế đã đưa ra quan điểm phản bác và cho biết, đây là những lập luận thiếu cơ sở khoa học, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến các nỗ lực của ngành y tế trong phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt. Bộ Y tế khẳng định, không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm. Tại Việt Nam, chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa i-ốt.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn